Chiềng Xuân xanh màu cây trái

Đến xã Chiềng Xuân, huyện Vân Hồ những ngày tháng 3, ấn tượng bởi màu xanh của những vườn nhãn, xoài, bưởi, cam phủ kín các sườn đồi, giúp hàng trăm hộ nông dân thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày thêm no ấm.

Vườn cam của gia đình anh Nguyễn Văn Tiến, HTX nông nghiệp Tiến Thành.

Đi giữa ngút ngàn màu xanh cây trái ở Chiềng Xuân, khó có thể hình dung nơi đây từng là vùng đất đồi hoang hóa, cuộc sống của bà con nông dân bao năm nhọc nhằn bởi trồng cây lương thực hiệu quả thấp. Ông Mùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Là xã thuần nông, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn. Những năm trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn nhưng không hiệu quả. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về trồng cây ăn quả trên đất dốc, xã rà soát, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích đất trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, được bà con đồng tình, ủng hộ; bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Phát triển cây ăn quả theo hướng bền vững, xã tập trung quy hoạch vùng trồng phù hợp; sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp. Vận động thành lập HTX để liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm. Đến nay, toàn xã có 493 ha cây ăn quả các loại, trong đó có 204 ha nhãn, 184 ha xoài, 50 ha bưởi, 36 ha cam vinh và một số loại cây ăn quả khác. Sản lượng các loại quả trung bình đạt 1.000 tấn/năm.

Bản Suối Quanh có diện tích cây ăn quả nhiều của xã Chiềng Xuân. Nơi đây, có HTX Nông nghiệp Tiến Thành, tiên phong, tiêu biểu của xã, huyện trong trồng cây ăn quả trên đất dốc và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Thành lập năm 2016, HTX có 10 thành viên trồng 20 ha cam, 27 ha nhãn, 10 ha xoài, 6 ha bưởi.

Anh Đinh Công Nhị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiến Thành, thông tin: Ngay khi thành lập, HTX đã xây dựng quy chế và yêu cầu tất cả các thành viên chăm sóc cây ăn quả đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, chủ động kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp phân bón, cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Hướng đến sản xuất an toàn, các diện tích cây ăn quả của HTX đều sử dụng phương pháp làm cỏ thủ công; dùng chất thải chăn nuôi ủ hoai mục để bón cho cây; sử dụng chế phẩm sinh học để phòng, trừ sâu bệnh. Hiện nay, HTX có 20 ha cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2022, tổng sản lượng các loại quả đạt hơn 400 tấn, doanh thu đạt 10 tỷ đồng.

Vượt tuyến đường bê tông uốn lượn lên đỉnh đồi, chúng tôi gặp được anh Nguyễn Văn Tiến, thành viên HTX Nông nghiệp Tiến Thành. Anh Tiến hồ hởi giới thiệu về bể chứa nước được xây dựng trên đỉnh đồi: Bể chứa nước được gia đình tôi xây dựng để cung cấp nước cho hệ thống tưới nhỏ giọt toàn bộ 3 ha cam vinh của gia đình, nhờ đó mà vườn cam phát triển rất tốt. Lượng nước cùng phân hòa tan được cung cấp cho cây đúng thời điểm, mùa vụ nên sản lượng quả cam thu được lớn hơn trước, cam ngọt và đẹp mã. Gia đình hiện có 15 ha trồng cây ăn quả, gồm 3 ha cam, 8 ha nhãn và 4 ha xoài. Vụ vừa rồi, gia đình tôi thu được 20 tấn cam, 10 tấn bưởi, 50 tấn nhãn, tổng doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 500 triệu đồng.

Cùng với việc chuyển đổi, trồng mới cây ăn quả, xã Chiềng Xuân định hướng cho bà con nhân dân quan tâm chăm sóc, đầu tư thâm canh những diện tích cây ăn quả hiện có. Ông Mùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã, thông tin thêm: Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân liên kết thành lập HTX trồng cây ăn quả, hình thành các vùng sản xuất tập trung, sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP; phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn cho người dân trên địa bàn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho chất lượng quả ngon, sản lượng và thu nhập kinh tế cao, tạo động lực cho người dân tiếp tục mở rộng diện tích; liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển vùng cây ăn quả bền vững.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và những thay đổi trong tư duy, cách làm của người dân, màu xanh của các loại cây ăn quả không những phủ xanh đất trống, đồi trọc mà còn là hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cây trồng, giúp các người dân nơi đây từng bước thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới