Cây gai xanh trên đất Sông Mã

Sau hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm, cho thấy cây gai xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Sông Mã, cây sinh trưởng và phát triển tốt, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Người dân xã Chiềng Cang thu hoạch cây gai xanh.

Tháng 5/2021, HTX gai xanh Sông Mã phối hợp với Tập đoàn An Phước và Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam đưa cây gai xanh AP1 vào trồng trên địa bàn huyện Sông Mã. Với hình thức người dân góp đất, bỏ công chăm sóc và cam kết bán sản phẩm cho HTX. Kinh phí về giống và phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc được Tập đoàn An Phước ứng đầu tư trước 100% và bắt đầu trừ 25% doanh thu từ lứa thu hoạch thứ 2. Chỉ sau 4 tháng triển khai, cây gai xanh đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên.

Đến nay, HTX gai xanh Sông Mã đã trồng hơn 186 ha; trong đó, xã Mường Cai 51 ha, Chiềng Cang hơn 37 ha, Pú Bẩu 23,8 ha, Mường Hung 12,6 ha, Huổi Một 11,5 ha, Chiềng Khoong 11,3 ha... Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc HTX gai xanh Sông Mã, cho biết: Từ tháng 5/2021, HTX liên kết với Tập đoàn An Phước phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh tại huyện Sông Mã. Đối với cây gai xanh trồng mới, từ lứa 1 đến lứa 3 năng suất suất bình quân đạt trên 300 kg vỏ khô/ha/lứa; từ lứa thứ 4 trở đi năng suất đạt 3-3,5 tấn vỏ gai khô/ha/năm. Tại xã Chiềng Cang, hiện nay, năng suất thu hoạch lứa 4, lứa 5, đang đạt 900-1.000 kg vỏ gai khô/ha, chất lượng sản phẩm loại 1 đạt 98%. HTX cam kết thu mua cho bà con với giá thấp nhất từ 35.000 - 37.000 đồng/kg vỏ khô. Sau 10 năm, HTX tiếp tục thu mua củ gai xanh cho bà con để làm dược liệu.

Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, trồng 1 lần thu hoạch 10 đến 12 năm, mỗi năm thu hoạch từ 4-5 vụ, trung bình vòng đời thu hoạch 45-50 vụ. Từ vụ thứ 2 trở đi hiệu quả kinh tế mà cây gai đem lại cao hơn gấp 4-5 lần so với một số cây ngắn ngày khác. Việc trồng cây gai xanh còn góp phần cải tạo đất, trung bình mỗi năm sẽ tạo ra gần 100 tấn phân xanh/ha, tạo mùn cho đất, có tác dụng cải tạo tính chất lý hóa, đất cát, đất sét bớt rời rạc, tăng tính giữ nước, giữ phân, tăng chất hữu cơ và đạm cho tầng canh tác, làm phong phú thêm lân, canxi, magie... cho đất. Đồng thời, ở các vùng đồi dốc, cây gai còn được trồng để giữ nước đầu nguồn, hạn chế xói mòn, bảo vệ độ phì nhiêu đất.

Đến bản Có Tre, xã Chiềng Cang, trên những đồi nương xanh ngát cây gai, nông dân đang khẩn trương thu hoạch, người chặt, người vận chuyển cho vào máy tuốt. Gia đình anh Cầm Văn Mười, một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi hơn 2 ha nương trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay, gia đình anh đang thu hoạch lứa thứ 4. Anh Mười chia sẻ: Lứa thu hoạch thứ 3, diện tích gai xanh của gia đình thu hơn 1,4 tấn vỏ khô/ha, được HTX thu mua từ 35-37 nghìn đồng/kg, dự kiến lứa thứ 4 này năng suất đạt 1 tấn vỏ khô/ha. Cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần trồng ngô, sắn, quan trọng nhất sản phẩm làm ra được HTX đến tận đồi thu mua.

Còn hộ anh Lò Văn Diên, cũng ở bản Có Tre, trồng 0,9 ha cây gai xanh, vừa thu hoạch xong lứa thứ 3 được 460 kg vỏ khô, với giá bán hiện tại được hơn 16 triệu đồng. Anh Diên cho biết: Trồng cây gai xanh, không phải mất tiền đầu tư giống, phân bón; sản phẩm lại được HTX bao tiêu, nên chúng tôi rất yên tâm. Trồng loại cây này, chỉ vất vả những ngày đầu chăm bón và làm cỏ nhiều lần. Từ lứa thu hoạch thứ hai trở đi chủ yếu là bón phân sau thu hoạch; cứ khoảng 1 tháng rưỡi đến 2 tháng là cho thu hoạch 1 lứa, gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng cây gai xanh.

Đánh giá về hiệu quả bước đầu cây gai xanh, ông Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, cho biết: Bước đầu cho thấy cây gai xanh phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Nếu cho thu hoạch đạt 4 lứa trở lên trồng trên đất dốc, 5 lứa trên đất ruộng, thì cây trồng này sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân, thu hoạch ổn định từ 5-6 năm; giá bán và thu nhập cao hơn ngô, sắn, tạo nguồn thu rải vụ trong năm cho người nông dân. Sau giai đoạn đánh giá hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động bà con chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh.

Hiện nay, HTX gai xanh Sông Mã đang tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện, phấn đấu giai đoạn 2022-2025, đạt từ 800-1.000 ha, trong đó, gai lưu gốc 200 ha, trồng mới 800 ha. Hiệu quả kinh tế bước đầu cây gai xanh mang lại, mở ra hướng đi mới cho huyện Sông Mã trong khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, nâng cao đời sống của nhân dân, xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới