Sông Mã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Những năm qua, nhân dân huyện Sông Mã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân nâng cao thu nhập.

Giọng nữ

Ông Phạm Quang Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tập trung phát triển các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng. Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Kết nối các doanh nghiệp uy tín với nhân dân trong liên kết, hợp tác sản xuất theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.

Lãnh đạo xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tham quan mô hình trồng bưởi da xanh của hộ dân tại bản Nà Lứa.

Giúp người dân có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, các tổ chức đoàn thể trong huyện đã phối hợp với các tổ chức tín dụng hướng dẫn nhân dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Hiện nay, huyện có hơn 10.500 hộ dân vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện, với tổng dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện hướng dẫn nông dân phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao phục vụ các nhà máy chế biến. Quan tâm xây dựng sản phẩm cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc cây trồng để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Xây dựng các mô hình nông nghiệp thí điểm, đánh giá, lựa chọn những cây trồng phù hợp với lợi thế từng địa phương để nhân rộng.

Hiện nay, nông dân trong huyện tập trung gieo trồng trên 17.800 ha cây lương thực có hạt; chăm sóc hơn 10.700 ha cây ăn quả; duy trì 48 mã số vùng trồng nhãn, với hơn 481 ha; duy trì hoạt động 47 HTX và 1 công ty sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP; có 50 chuỗi liên kết, với trên 900 ha nhãn; 2 làng nghề, với 2.990 lò sấy long nhãn. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm quả của huyện đạt gần 46.000 tấn, giá trị ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật để phát triển trồng nho hạ đen, nhãn chín sớm, nhãn ánh vàng, bưởi da xanh, xoài ghép; phát triển mô hình lúa nếp tan lương, vùng nguyên liệu dứa Queen. Cùng với đó, huyện đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp triển khai các mô hình mới, như: Lê tai nung VH6 tại bản Huổi Chả, xã Nậm Mằn; thâm canh cây chôm chôm theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với hệ thống tưới ẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm xã Huổi Một; phục tráng giống lúa I1 tại xã Nà Nghịu...

Nhân dân xã Mường Hung lắp đặt hệ thống tưới phun mưa gốc bưởi. 

Những ngày này, các thành viên của gia đình anh Lò Văn Khoản, bản Nà Lứa, xã Mường Hung, đang tập trung phát cỏ và tưới nước cho vườn bưởi da xanh của gia đình. Anh Khoản cho biết: Năm 2016, nhận thấy ở Chiềng Khoong, Chiềng Khương phát triển trồng nhãn, gia đình tôi cũng mua giống về trồng. Chủ động học hỏi kỹ thuật ghép cải tạo và tự rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc. Ngoài ra, tôi và một số bà con trong bản tự tổ chức đi tham quan mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. Do đất sản xuất chủ yếu là đất đồi nên tôi thuê máy xúc đào đường đồng mức để cây phát triển tốt, dễ chăm sóc và tiện lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tự động. Hiện nay, gia đình tôi có 3 ha nhãn miền thiết và bưởi, trong đó, 1 ha nhãn đang chăm sóc, 1,3 ha nhãn và 0,7 ha bưởi da xanh đã cho thu hoạch. Mỗi năm, sản lượng đạt 25 tấn, trừ chi phí thu lãi hơn 200 triệu đồng. 

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, chăn nuôi gia súc nhốt chuồng. 

Về lĩnh vực chăn nuôi, huyện định hướng cho nhân dân phát triển theo hướng gia trại, trang trại. Trong đó, tập trung thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ nhân dân kinh phí xây dựng chuồng trại, hướng dẫn kỹ thuật và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Qua đó, từng bước hình thành một số mô hình chăn nuôi hiệu quả, như: Mô hình nuôi gà đẻ trứng; nuôi gà thả vườn liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi bò sinh sản liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Thành lập năm 2019, HTX Mường Lầm, bản Mường Nưa, xã Mường Lầm, có 15 thành viên, hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Được Nhà nước hỗ trợ 70% con giống, cuối năm 2020, HTX đã triển khai nuôi thí điểm 23 con bò giống lai sind, batman trên nền đệm lót sinh học; đầu tư xây dựng chuồng trại quy mô 300 m2, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Anh Tòng Văn Cường, Giám đốc HTX, thông tin: Ban đầu, chúng tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc dẫn đến thiệt hại 5 con bò. Tôi đã tham gia các lớp tập huấn thú y do huyện, tỉnh tổ chức; tự tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm của giống bò để rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc, nhất là quan tâm chế độ ăn uống và môi trường sống của đàn bò. Đến nay, đàn bò của HTX đã sinh sản được 17 con bê. Ngoài ra, HTX còn trồng 2 ha cỏ voi, sử dụng bã bia, cám gạo làm nguồn thức ăn, giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh.

Huyện Sông Mã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chuyên môn định hướng cho nông dân xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Khuyến khích thành lập các HTX để nhân dân liên kết sản xuất, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản…, giúp bà con sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới