Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các hợp tác xã

Những năm qua, Liên minh HTX tỉnh luôn quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, thành viên các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tập huấn, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho thành viên hợp tác xã các phường, thị trấn năm 2023.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 942 HTX và 6 liên hiệp HTX, hoạt động trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, tín dụng, vận tải, thương mại, dịch vụ du lịch… với gần 40.000 thành viên. Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên Minh HTX tỉnh, cho biết: Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX đang được triển khai theo hướng bám sát nhu cầu thực tế của các HTX; chia thành từng nhóm đối tượng để đào tạo, nội dung tập trung nâng cao kiến thức về quản trị điều hành HTX, kế toán, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, lập phương án, kế hoạch kinh doanh…, giúp học viên nâng cao kiến thức nghiệp vụ để áp dụng vào hoạt động thực tiễn của HTX.

Đại diện một số sở, ngành và  HTX trên địa bàn tỉnh tham quan, đánh giá mô hình trồng dứa Queen tại xã Tạ Bú, huyện Mường La. 

 Từ năm 2020 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 1.000 giám đốc, phó giám đốc, hội đồng quản trị, kiểm soát, kế toán, thành viên HTX. Nhờ vậy, đội ngũ kế toán, thành viên, người lao động đang làm việc tại các HTX đã qua đào tạo, tập huấn đạt trên 50%; thành viên trong ban quản trị HTX có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên chiếm 26%, tăng từ 5-7% so với thời điểm năm 2018. Ngoài ra, Liên minh HTX còn giới thiệu nhiều sinh viên sau tốt nghiệp cao đẳng, đại học các chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp, kế toán về làm việc tại các HTX.

 Bên cạnh đó, Liên minh còn tổ chức các đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình HTX tiêu biểu tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hòa Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn... Đồng thời, phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị tổ chức đào tạo các nghề truyền thống, như dệt thổ cẩm, đan mây tre, làm gốm, nghề rèn; tập huấn nhóm sản phẩm OCOP cho các HTX… Hằng năm, doanh thu của các HTX đạt từ 1,5 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận từ 200 triệu đồng/HTX/năm trở lên; thu nhập bình quân người lao động trong các HTX đạt từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng cây sa nhân tím của HTX Long Hiếu, bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp.

Chị Lê Thị Hương, Giám đốc HTX Hương Thư, tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Năm 2018, HTX thành lập, với ngành nghề sản xuất giống cây trồng. Thời điểm mới đi vào hoạt động, gặp nhiều khó khăn, nhất là năng lực quản lý, điều hành và kế hoạch sản xuất kinh doanh. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn do Liên minh HTX tỉnh tổ chức, HTX đã xây dựng phương án, định hướng sản xuất, kinh doanh. Ngoài 4 thành viên Ban quản trị có trình độ đại học, các thành viên HTX cũng biết ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Mỗi năm, HTX bán ra thị trường từ 500 - 600 nghìn cây giống, hoa giống các loại, doanh thu đạt trên 3,5 tỷ đồng, thu nhập thành viên HTX, người lao động từ 7-12 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình mây tre đan xã Ngọc Chiến phát triển phấn đấu thành lập HTX trong năm 2023.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tạo thuận lợi cho các HTX cử thành viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX có trình độ từ cao đẳng trở lên đạt trên 30%; thành viên, người lao động của các HTX được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng đạt từ 60% trở lên.

Bài, ảnh: Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới