Hiệu quả các chính sách hỗ trợ chế biến các sản phẩm cây ăn quả

Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng trồng cây ăn quả có diện tích và sản lượng lớn, tỉnh Sơn La đã nghiên cứu ban hành nhiều chính sách khuyến khích, thu hút, hỗ trợ phát triển khâu chế biến sản phẩm từ cây ăn quả và đã mang lại hiệu quả tích cực.

Từ năm 2015 đến nay, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra chủ trương đúng đắn, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn phát triển với nông nghiệp bền vững, đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghiệp. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến. Việc ban hành, thực hiện các cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, vùng nguyên liệu; kịp thời, cụ thể hóa, triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển công nghiệp, nhất là chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (trong đó có phát triển công nghiệp chế biến nông sản) phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Dây chuyền chế biến cam của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

Nhiều chính sách đã được ban hành, như: Nghị quyết số 17/2016/NQ-HĐND ngày 14/12/2016 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017- 2021; Nghị quyết số 57/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2021; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 4/4/2018 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018- 2021; Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh quy định về nội dung và mức hỗ trợ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2025; Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về việc quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021...

Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã vận dụng linh hoạt việc vận động, hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư các dự án chế biến nông sản và các dự án phát triển vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục hành chính trong việc quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, các thủ tục về môi trường, xây dựng... 

Chọn lọc sơn tra phục vụ chế biến rượu tại HTX Tinh dầu dược liệu Mường La, huyện Mường La. Ảnh: Minh Thu

Tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của tỉnh, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã tập trung khai thác và tận dụng tốt lợi thế về điều kiện tự nhiên; xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 84.700 ha cây ăn quả, sản lượng quả đến hết năm 2023 ước đạt 453.554 tấn; có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến, trong đó gần 2/3 số nhà máy và cơ sở chế biến sản phẩm từ cây ăn quả; có 281 mã số vùng trồng, với trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ;  110 sản phẩm OCOP và 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.

Trao đổi với các học viên Lớp cao cấp lý luận chính trị ngày 18/10, tại Trường Chính trị tỉnh, đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành và triển khai thực hiện, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao... góp phần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hình thành các vùng cây ăn quả, vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 2 khu công nghiệp (khu công nghiệp Mai Sơn, khu công nghiệp Vân Hồ) và 9 cụm công nghiệp tại các huyện, thành phố. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc...

Tỉnh cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản phẩm quả, như: Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La; Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH; Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO. Sản phẩm của các nhà máy chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

 Nói về hiệu quả của các chính sách hỗ trợ chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả, bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, cho biết: Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây ăn quả của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành đa dạng các loại hình chế biến cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm công nghiệp chế biến ngày càng đa dạng, phong phú, chất lượng, mẫu mã và giá trị sản phẩm được nâng lên rõ rệt; một số mặt hàng có tiêu chuẩn chất lượng cao, được người tiêu dùng trong nước và thế giới đón nhận và phản hồi tích cực.

Các sản phẩm sau chế biến chủ yếu là xoài sấy dẻo, hồng sấy dẻo, chuối sấy dẻo, rượu chuối, mận sấy dẻo, rượu mơ, thanh long sấy dẻo, nước cốt chanh leo, long nhãn, rượu vang sơn tra... Sản phẩm sau chế biến ước đạt trên 20.000 tấn/năm.  Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường Đức, Mỹ, Malaysia, Úc, Trung quốc, Hàn quốc, các nước EU... Sản xuất công nghiệp chế biến dịch chuyển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, giá trị gia tăng ngày càng cao.

Ứng dụng công nghệ sấy nhiệt tại HTX Quyết Thanh, huyện Mộc Châu. Ảnh: Duy Tùng

Các chính sách phát triển công nghiệp chế biến đã thúc đẩy chuyển dịch sản xuất nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong nông nghiệp nông thôn; nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới