Ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống

Hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2021, toàn tỉnh có 29 nhiệm vụ KH&CN; trong đó, 16 nhiệm vụ cấp tỉnh và 4 dự án Chương trình Nông thôn miền núi chuyển tiếp từ năm 2020 sang, 9 nhiệm vụ mới phê duyệt 2021 (8 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh, 1 đề tài cấp thiết địa phương cấp quốc gia). Các nhiệm vụ đang triển khai, đã góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Sở KH&CN bàn giao kết quả thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã nghiệm thu cho các sở, ban, ngành, huyện, thành phố.

Tiêu biểu là các đề tài: “Nghiên cứu biện pháp phòng chống các loài sâu, bệnh chính trên cây chanh leo theo hướng tổng hợp tại Sơn La”; “Ứng dụng các giải pháp KH&CN xây dựng mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất na tại Sơn La”; “Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây: nhãn, xoài, bơ, thanh long tại tỉnh Sơn La”; "Xây dựng mô hình trồng nho giống mới chịu hạn (giống Hạ Đen) theo hướng hữu cơ tại Sơn La”...  Trong đó, Đề tài nghiên cứu "Xây dựng mô hình trồng nho giống mới chịu hạn (giống Hạ Đen) theo hướng hữu cơ tại Sơn La" đang được nghiên cứu, nhân rộng. Thạc sỹ Triệu Thị Thịnh, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Chúng tôi đã đưa vào trồng thử nghiệm 3 mô hình với quy mô 2.500 m² tại huyện Mộc Châu và Mai Sơn, cho thấy cây nho Hạ Đen sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 98%. Hiện, cây nho Hạ Đen đã cho quả với chất lượng thành phẩm tốt. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hộ dân theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng, tình hình sâu bệnh hại của cây nho Hạ đen. Đồng thời, triển khai hoạt động nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật sản xuất nho chịu hạn theo hướng hữu cơ, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả mô hình và sẽ đưa nhân rộng đến người dân.

Lãnh đạo Sở KH&CN trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho các HTX huyện Sông Mã.

Nét nổi bật trong việc triển khai các đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh, không chỉ tạo ra cơ hội thử nghiệm giống cây, con mới, kỹ thuật mới cho địa phương, còn mở ra một hướng đi mới cho người dân trong phát triển kinh tế. Lợi ích của đề tài, dự án mang lại, góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tạo nên giá trị cao trên một đơn vị diện tích canh tác. Mặt khác, người dân có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các nhà khoa học là các giáo sư, tiến sĩ của các viện nghiên cứu, các trường đại học có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực của đời sống. 

Dấu ấn của việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, năm 2021, Sơn La có thêm 3 sản phẩm nông sản, gồm: Nhãn, xoài, bơ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, nâng tổng số các sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ trên địa bàn tỉnh là 24 sản phẩm; trong đó, có 3 chỉ dẫn địa lý, 18 nhãn hiệu chứng nhận, 3 nhãn hiệu tập thể.

Ông Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết: Diện tích nhãn toàn huyện gần 7.400 ha, sản lượng trên 70.000 tấn, chiếm hơn 55% tổng sản lượng nhãn toàn tỉnh. Tháng 7/2021, tại Lễ công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La”, 24 HTX trên địa bàn huyện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Nhãn Sơn La". Việc nhãn Sơn La được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đã khẳng định danh tiếng và chất lượng nông sản của địa phương, góp phần hoàn thiện khung pháp lý, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động cung cấp các sản phẩm từ quả nhãn của tỉnh nói chung, huyện Sông Mã nói riêng vươn ra thị trường trong nước và quốc tế, hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Kiểm tra mô hình hoa lan Hồ Điệp tại Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu.

Ngoài ra, các hoạt động quản lý công nghệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng, dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng, thông tin và ứng dụng KH&CN... tiếp tục có những bước tiến mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham gia ý kiến về công nghệ đối với 20 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh; thẩm định 45 hồ sơ đề nghị cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho 44 HTX, doanh nghiệp đủ điều kiện; tổ chức 4 lớp tập huấn về sáng kiến với 350 học viên tham gia; triển khai 3 cuộc thanh tra chuyên ngành về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu... 

Nghiệm thu mô hình trồng nho Hạ Đen tại bản Bãi Sậy, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu.

Đồng chí Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thông tin: Để các hoạt động KH&CN ngày càng chứng minh được vai trò, giá trị, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương, Sở đang tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường; triển khai truy xuất nguồn gốc; tăng cường hoạt động dịch vụ, tiềm lực khoa học và công nghệ. Tham mưu thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới