Phù Yên đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục

Những năm qua, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên đã chỉ đạo các đơn vị trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển xã hội số.

Giờ học tại Trường THPT Tân Lang được ứng dụng máy chiếu và giáo án điện tử.

Năm học 2020-2021, các trường trên địa bàn huyện Phù Yên đã triển khai việc dạy và học trên không gian mạng; sử dụng các ứng dụng trực tuyến, như: E-learning, Study365, Google Meet, Google Classroom hay Msteam...

Sau 4 năm triển khai, hiện nay, Phù Yên có 64 trường học, đạt 100%, hơn 2.000 cán bộ, giáo viên và khoảng 35.000 học sinh thành thạo kỹ năng và sẵn sàng học trực tuyến. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã triển khai thí điểm các phần mềm về quản lý cán bộ, giáo viên, cơ sở vật chất và cập nhật cơ sở dữ liệu ngành giáo dục đối với các trường vùng trung tâm, có điều kiện thuận lợi; giúp cơ quan quản lý nắm bắt tình hình, kịp thời đưa ra những chỉ đạo phù hợp.

Giáo viên Trường tiểu học thị trấn Phù Yên thực hiện giảng dạy trực tuyến tiếng Anh.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Hằng năm, phòng tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, xây dựng bài giảng, giáo án điện tử; sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy; cài đặt phần mềm, thiết kế bài giảng trên các ứng dụng... cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên các trường học trong huyện. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, khuyến khích các tập thể, cá nhân sáng tạo, đề xuất sáng kiến, giải pháp phù hợp trong chuyển đổi số.

Học sinh khối 5, Trường tiểu học thị trấn Phù Yên, học trực tuyến tiết học tiếng Anh.

Bên cạnh giờ học trên lớp, các thầy, cô giáo còn lồng ghép hoạt động học, giao bài trực tuyến cho học sinh. Theo đó, từ thiết bị cá nhân của giáo viên, bài giảng được trình chiếu hoặc chuyển đến học sinh thông qua các phần mềm; giáo viên có thể theo dõi hoạt động của học sinh trên các thiết bị học tập. Việc giao bài được thực hiện nhanh chóng; sau khi học sinh hoàn thành, hệ thống sẽ phân tích, đưa ra điểm mạnh, điểm yếu và đánh giá kết quả của học sinh.

Năm học 2023-2024, các đơn vị trường học đã quản lý, điều hành công tác giáo dục, chế độ báo cáo thực hiện trên phần mềm quản lý và ban hành văn bản VNPTIOFFICE. Nhờ sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý, việc báo cáo số liệu, kiểm tra giáo án của giáo viên thực hiện nhanh chóng. Hiện nay, 100% trường học thực hiện số hóa giáo án, dữ liệu quản lý cơ sở vật chất của nhà trường và học bạ điện tử.

Học sinh khối 5, Trường tiểu học thị trấn Phù Yên học trực tuyến tiết học tiếng Anh.

Tỷ lệ phòng học được trang bị máy chiếu, tivi thông minh của toàn huyện đạt trên 65%, giúp việc dạy và học được trực quan, tạo hứng thú cho học sinh, tránh sự nhàm chán trong mỗi tiết học. Tuy nhiên, quá trình số hóa của các trường thực hiện độc lập trong việc lựa chọn nhà cung cấp phần mềm nên chưa đồng nhất trong chuyển và nhận dữ liệu của học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có văn bản đề xuất với Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn trong số hóa học bạ của học sinh.

Trường Tiểu học và THCS Kim Bon, xã Kim Bon, có 30% số phòng học được trang bị các phương tiện giảng dạy như tivi thông minh, máy chiếu, mang đến cho học sinh những trải nghiệm tốt nhất trong mỗi tiết học. Thầy giáo Phạm Văn Liêm, Hiệu trưởng, thông tin: Nhà trường có trên 70 giáo viên, gần 1.000 học sinh theo học ở 2 cấp. Từ năm học 2022-2023, nhà trường đã yêu cầu giáo viên học tập, số hóa giáo án, Ban Giám hiệu quản lý chương trình học, giáo án của giáo viên và học bạ của học sinh hoàn toàn trên môi trường số hóa. Trường chuẩn bị được đầu tư nhà lớp học 2 tầng, 6 phòng học. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, nhà trường sẽ có văn bản đề nghị đầu tư bổ sung máy chiếu, tivi thông minh, để nâng cao việc dạy và học của nhà trường.

Cô giáo Cầm Thị Ánh, giáo viên môn Lịch sử, Trường tiểu học và THCS Kim Bon, cho biết: Thực hiện giáo án điện tử kết hợp với phương pháp giảng dạy trên bảng thu hút và gợi mở các vấn đề xung quanh bài giảng hơn vì có nhiều dẫn chứng, video minh họa, giúp các em tiếp thu bài giảng nhanh, hiểu bài hơn.

 Tiết học môn Tin học tại Trường Tiểu học thị trấn Phù Yên.

Còn tại Trường THCS thị trấn Phù Yên, năm học 2022-2023, được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chọn thực hiện thí điểm mô hình quản lý học bạ điện tử, hồ sơ điện tử trên hệ thống SMAS và VNEDU. Mỗi tuần, nhà trường thực hiện cập nhật toàn bộ cơ sở dữ liệu về giáo viên, học sinh, cùng các nội dung liên quan đến hoạt động giảng dạy lên hệ thống mạng nội bộ.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Phù Yên, cho biết: Từ khi triển khai mô hình quản lý học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, nhà trường thực hiện nghiêm việc cập nhật, lưu trữ các số liệu. Theo đó, việc xây dựng báo cáo, kiểm tra các số liệu của nhà trường đã rút ngắn đáng kể thời gian. Mô hình đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, trong việc quản lý của nhà trường.

Nỗ lực khắc phục khó khăn ứng dụng công nghệ số để đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên đề xuất với các ngành chức năng, địa phương tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Bài, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới