Chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ

Với mục đích tăng sức cạnh tranh, tiếp cận khách hàng theo hướng đa chiều và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh đã từng bước thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh, góp phần mcắt giảm chi phí vận hành, thủ tục nhanh chóng và chính xác, giúp gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị.

Nhân viên siêu thị Winmart Sơn La đi chợ hộ cho khách hàng

Chuyển đổi số trong ngành bán lẻ là việc chuyển đổi cách thức vận hành, bán từ hình thức truyền thống sang môi trường công nghệ số. Trong đó, từ khâu bán hàng, tiếp cận khách hàng đều ứng dụng công nghệ 4.0. Nhờ đó, không hạn chế đối tượng khách hàng, thị trường tiêu thụ hàng hóa được mở rộng. Hệ thống cửa hàng Winmart, WinMart+ là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số; hệ thống này có 15 cửa hàng Winmart, Winmart+ đang hoạt động trên địa bàn toàn tỉnh với danh mục hàng hóa thiết yếu đa dạng, phong phú, như: Rau, quả, thịt tươi sống, đồ khô, đồ tạp hóa... Tất cả các cửa hàng đều triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc siêu thị Winmart Sơn La, cho biết: “Winmart, WinMart+ đã triển khai thực hiện chuyển đổi số ngay từ khi bắt đầu mở siêu thị. Hiện, chúng tôi đang áp dụng chuyển đổi số ở 3 lĩnh vực: Sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc toàn bộ sản phẩm tại siêu thị; thanh toán quẹt thẻ trên ứng dụng của ngân hàng và chương trình đi chợ hộ online để khách hàng dễ dàng mua sắm. Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, Winmart đã mở rộng được đối tượng khách hàng; doanh thu của siêu thị luôn ổn định, nguồn hàng hoá cung cấp bổ sung thường xuyên, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Khách hàng check mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Là một trong những khách hàng thường xuyên mua sắm tại hệ thống siêu thị Winmart Sơn La, chị Nguyễn Thị Diệp Anh, phường Quyết Thắng, Thành phố, cho biết: Gia đình tôi có thói quen vào siêu thị mua sắm trực tiếp, nhưng hơn 1 năm trở lại đây, tôi lựa chọn hình thức đặt hàng trực tuyến và được nhân viên siêu thị hướng dẫn vào nhóm Zalo “Đi chợ hộ Winmart Sơn La" lựa chọn hàng hóa và được nhân viên siêu thị chuyển tới tận nhà. Bên cạnh đó, khi thanh toán qua ứng dụng VinID còn giúp tôi tích điểm để trừ vào tổng tiền mua sắm sản phẩm trong lần mua sắm tiếp theo. 

Anh Lèo Văn Bằng, nhân viên siêu thị Winmart Sơn La, cho biết: Nhóm Zalo đi chợ hộ của siêu thị hiện có gần 500 thành viên. Thời điểm này, trung bình, mỗi ngày siêu thị nhận khoảng 40-50 đơn đi chợ hộ. Khi sử dụng dịch vụ, khách hàng sẽ được miễn phí giao hàng với đơn hàng từ 200.000 đồng, trong bán kính 5km và cam kết giao hàng trong vòng 4h đối với đơn hàng đặt trước 18h.

Không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mà nhiều chủ cơ sở bán lẻ truyền thống cũng từng bước ứng dụng thương mại điện tử và nền tảng số để đa dạng hóa hoạt động bán hàng, tăng cường quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Chị Phùng Thanh Thủy, chủ cửa hàng đồ cho mẹ và bé trên đường Trường Chinh, Thành phố, chia sẻ: Nếu như trước đây, khách hàng chủ yếu trực tiếp đến cửa hàng để chọn lựa và mua sắm, thì bây giờ lượng khách hàng đặt mua online và thanh toán bằng hình thức chuyển khoản tăng lên nhanh chóng. Để mang đến dịch vụ tốt nhất cho khách hàng, tôi còn lưu số điện thoại và tạo các nhóm Zalo, Facebook phù hợp với từng nhóm khách hàng để giữ chân khách hàng cũ bằng dịch vụ hậu mãi cũng như tư vấn, giới thiệu sản phẩm. Nhờ đó, cửa hàng duy trì được số lượng lớn khách hàng truyền thống và ngày càng mở rộng khách hàng mới. Đáp ứng mong muốn thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng, 2 năm trở lại đây, tôi đã lắp đặt máy POS và các ứng dụng quét mã QR. 

Chuyển đổi số trong lĩnh vực bán lẻ đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người bán lẫn khách hàng. Như ứng dụng công nghệ giúp thanh toán nhanh, linh hoạt hơn; chuẩn hóa quy trình làm việc thành một khối thống nhất, cung cấp hệ thống tự động kết nối các bộ phận lại với nhau trên cùng hệ thống online; giảm chi phí nhân công và quảng bá; khách hàng dễ dàng kiểm tra thông tin sản phẩm qua hệ thống check mã QR, không mất quá nhiều thời gian vào tìm kiếm, lựa chọn sản phẩm... Việc ứng dụng nền tảng công nghệ số vào quản lý, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn tỉnh không chỉ góp phần tiêu thụ hàng hóa thuận lợi, mà còn thúc đẩy ngành dịch vụ, thương mại phát triển ổn định.

Theo thống kê của Sở Công Thương Sơn La, khoảng 70% khách hàng có sử dụng điện thoại thông minh đã tham gia hoạt động mua sắm thông qua nền tảng số. Theo đó, ngành Công Thương đã hỗ trợ các cơ sở dịch vụ trong lĩnh vực ngành như siêu thị, cửa hàng xăng, dầu hình thành các tiện ích, trang thiết bị hỗ trợ người tiêu dùng thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt... Hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương trên môi trường số thông qua các hội nghị trực tuyến kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản của các tỉnh, góp phần đem lại niềm tin cho khách hàng, nâng cao giá trị sản phẩm.

Với những lợi ích, như giảm chi phí thuê nhân công; nhanh, gọn, thuận lợi, chính xác..., chuyển đổi số thực sự là bước đi cần thiết đối với lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, số cửa hàng, đơn vị kinh doanh áp dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, cùng với đó là yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, các nhà bán lẻ cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy ngành thương mại, dịch vụ phát triển.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới