Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số

Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay.

 
Lê Hồng Long
Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy
 

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó có giải pháp để tăng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ…”. Đại hội XII của Đảng đã đánh giá: “Chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu, tư vấn cấp chiến lược… Tỷ lệ cán bộ lãnh đạo và cấp ủy là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, việc luân chuyển bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương thực hiện chưa đạt yêu cầu”.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, đánh giá: “Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số chưa đạt mục tiêu đề ra…”. Kế hoạch số 10-KH/TW ngày 06/6/2018 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy… thực hiện tốt 20 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ: “Cụ thể hoá và triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm thực hiện mục tiêu cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Cấp uỷ các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…”. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “…Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…”.

Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy thảo luận và quyết định một số nội dung công việc theo thẩm quyền.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương, xuất phát từ điều kiện thực tiễn là một tỉnh miền núi, biên giới, là tỉnh có nhiều dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 82% dân số. Những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên quan tâm đến công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong tỉnh đã tăng lên về số lượng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở; trình độ năng lực, nhất là lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, cơ cấu cán bộ dân tộc thiểu số không đều; tỷ lệ cán bộ trẻ chiếm tỷ lệ thấp; năng lực quản lý, tính nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở còn hạn chế; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền; nữ dân tộc thiểu số lãnh đạo, quản lý ở một số địa phương, ngành còn khiêm tốn.

Hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo nghiên cứu và ngày 30/12/2021 đã thống nhất ban hành Đề án số 03-ĐA/TU về “Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý đến năm 2030”. Một số nội dung cơ bản của Đề án gồm:

Về quan điểm:Việc xây dựng, tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số đến năm 2030 phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong tình hình mới và được thực hiện trên nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; góp phần thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; Kết luận số 21- KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 - CT/W ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, được xác định là một trong những khâu đột phá của công tác cán bộ. Bảo đảm thực hiện chủ trương đào tạo, bồi dưỡng toàn diện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo nhân tố mới, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có triển vọng, cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện thực tiễn; tạo nguồn cán bộ lâu dài cho tỉnh, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Do đó, phải được đặt trong tổng thể công tác cán bộ của tỉnh và thực hiện thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khách quan,chặt chẽ với các khâu trong công tác cán bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà trước hết là người đứng đầu và cơ quan tham mưu, trong đó cơ quan tổ chức cán bộ là nòng cốt. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Đối tượng của Đề án: gồm cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ), bao gồm: Cán bộ trẻ (tuổi đời không quá 35 tuổi tính đến hết tháng 12 của năm tuyển chọn); Cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số (tuổi đời không quá 45 tuổi tính đến hết tháng 12 của năm tuyển chọn) được tuyển chọn từ các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Đề án đã xây dựng hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn, ưu tiên phù hợp đối với từng đối tượng, ngoài việc phải đảm bảo các tiêu chuẩn chung về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ đào tạo, không vi phạm tiêu chuẩn về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định thì mỗi đối tượng đều có các tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục tiêu của Đề án.

Đồng chí Lê Hồng Long kiểm tra mô hình kinh tế tại xã Chiềng Lao, huyện Mường La

Mục tiêu của Đề án: Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số để chủ động nguồn cán bộ, khắc phục tình trạng hẫng hụt cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, phấn đấu đến năm 2030:

Một là, Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng.

Hai là, Cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ở các cấp, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị ngang tầm nhiệm vụ.

Ba là, Chủ động nguồn cán bộ, đáp ứng việc lựa chọn cán bộ để quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; tạo sự đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu trong công tác cán bộ, liên thông giữa các cấp, các ngành gắn với vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Nguyên tắc, quy trình tuyển chọn: Thực hiện lựa chọn giữa cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số với nhau nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch. Tuyển chọn cán bộ đưa vào Đề án phải đảm bảo hài hòa, cân đối về cơ cấu cán bộ, cơ cấu ngành, lĩnh vực công tác. Quy trình tuyển chọn được thực hiện từ việc đề xuất nguồn cán bộ, đến các bước duyệt, thẩm định hồ sơ dự tuyển (sơ tuyển) và tổ chức sát hạch đảm bảo chặt chẽ, khách quan, dân chủ, công khai và minh bạch. Kết quả sát hạch được báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt theo quy định.

Về cơ chế, chính sách và bố trí sử dụng cán bộ tham gia Đề án: được cử đi đào tạo và bồi dưỡng được hỗ trợ kinh phí theo quy định. Ngoài các chính sách đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình của Trung ương, hằng năm tỉnh chủ động bố trí ngân sách để liên kết chọn, cử một số cán bộ được tham gia bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài. Đối với cán bộ thuộc diện luân chuyển, tăng cường, biệt phái: Thực hiện theo quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Hằng năm căn cứ kinh phí thực hiện Đề án để xem xét bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương hỗ trợ hoạt động của cán bộ được tăng cường, biệt phái theo từng nhóm nhiệm vụ cụ thể. Các trường hợp cán bộ của Đề án đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn, được các cấp uỷ đảng, cơ quan, đơn vị đề xuất sẽ được xem xét bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh diện Tỉnh ủy quản lý.

Yêu cầu đối với cán bộ tham gia Đề án: Phải được cơ quan, đơn vị xét cử; chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định, nội quy, chương trình, nội dung của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; chấp hành nghiêm các quyết định của cấp có thẩm quyền và cơ quan nơi đi và nơi đến. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực, cố gắng, phát huy năng lực, sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tích cực nghiên cứu, phát hiện những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kịp thời đề xuất các giải pháp báo cáo với cấp ủy, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị để giải quyết. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; giữ mối liên hệ với cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ. Tích cực xây dựng tập thể đoàn kết, thống nhất, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; bản thân tích cực xây dựng hình ảnh, uy tín thực sự là tấm gương tiêu biểu, điển hình, được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm. Cán bộ đạt thành tích cao trong học tập, công tác được xem xét khen thưởng; nếu vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo các quy định.

Để thực hiện thành công Đề án số 03-ĐA/TU, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 121-KH/TU ngày 09/9/2022 trong đó xác định 3 nội dung cơ bản, gồm: Phát hiện, tuyển chọn cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ và Bố trí, sử dụng cán bộ.

Căn cứ vào thực trạng cán bộ, quy hoạch cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý của các nhiệm kỳ và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn để xác định số cán bộ cần có để tạo nguồn. Trước mắt năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thực hiện lựa chọn 50 cán bộ (trong tổng số 169 cán bộ đăng ký tham gia tuyển chọn), trong đó: Cán bộ trẻ 15 đồng chí; cán bộ nữ 15 đồng chí; cán bộ dân tộc thiểu số 20 đồng chí. Các năm tiếp theo căn cứ tình hình thực tiễn sẽ tiếp tục tổ chức lựa chọn số lượng phù hợp. Ứng viên tham gia tuyển chọn sẽ phải tham dự 2 phần sát hạch: Viết bài luận về kiến thức chung; Thuyết trình và trả lời phỏng vấn.

Việc ban hành Đề án số 03-ĐA/TU được xây dựng phù hợp với bối cảnh, yêu cầu của tỉnh, của Trung ương về công tác cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Thực hiện hiệu quả Đề án sẽ có tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị góp phần xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc như mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới