Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc là một trong 3 tiêu chuẩn quan trọng để bình xét gia đình văn hóa. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của mỗi gia đình hiện nay, tạo nền tảng để xây dựng một xã hội hạnh phúc.

Giọng nữ
Hội thi Gia đình hạnh phúc tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

Gia đình là tổ ấm của mỗi người, là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Hằng năm, công tác tuyên truyền về xây dựng gia đình hạnh phúc luôn được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện với hình thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa, bản văn hóa; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cổ động hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3),

Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Hình thức tuyên truyền mang tính trực quan, sinh động, như: Phát tài liệu, tập gấp tuyên truyền, treo băng rôn, khẩu hiệu, pa nô, áp phích, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh ở cơ sở...

Hội viên Hội LHPN huyện Thuận Châu trao đổi về công tác gia đình.

Cùng với đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các hướng dẫn về Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, xây dựng các mô hình gắn kết các thế hệ, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Gia đình hiếu học”... Đây là giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về giá trị của gia đình và tầm quan trọng của công tác gia đình trong giai đoạn hiện nay. Từ các phong trào này, đã phát hiện và nhân rộng các điển hình tiêu biểu về gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

Với 3 thế hệ cùng chung sống, gia đình chị Lương Thị Nga, phường Chiềng Cơi, Thành phố luôn giữ được mối liên hệ gắn kết giữa ông bà, bố mẹ và các con, giữ không khí hòa thuận, êm ấm, hạnh phúc, là gia đình văn hóa tiêu biểu của Thành phố nhiều năm liền. Chị Nga chia sẻ: Trong gia đình, chúng tôi xây dựng nguyên tắc tôn trọng nhau giữa các thế hệ và giữa mỗi thành viên. Bố mẹ là trung gian kết nối, vừa là người giữ hòa khí chung, chăm sóc ông bà, vừa làm gương để dạy bảo các con. Hai vợ chồng luôn san sẻ công việc nhà, đồng thuận trong mọi việc để gia đình êm ấm, nhờ vậy, các con luôn chăm ngoan, vâng lời người lớn trong nhà.

Gia đình anh Ngần Văn Diệp, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ tham gia Hội thi Gia đình hạnh phúc tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.

Còn gia đình anh Ngần Văn Diệp, bản Co Súc, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, hiện cũng đang duy trì 3 thế hệ cùng chung sống, nhiều năm liền gia đình anh được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu và được UBND tỉnh tặng bằng khen. Anh Diệp nói: Gia đình tôi có truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống và luôn giữ được không khí hòa thuận, đầm ấm. Cũng nhờ sự chia sẻ, thấu hiểu nhau giữa các thành viên, giúp gia đình thêm gắn kết, yêu thương nhau hơn và xây dựng gia đình hạnh phúc hơn.

Không ít phong trào, hoạt động, các mô hình hay đã được triển khai ở các cấp, huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, giúp nâng cao hiệu quả triển khai công tác gia đình. Trong đó, phải kể đến các mô hình câu lạc bộ “Mẹ chồng nàng dâu”, gia đình “5 không, 3 sạch”...

Gia đình chị Lương Thị Nga, phường Chiềng Cơi, Thành phố nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu.

Hiện nay, toàn tỉnh đang duy trì 319 CLB gia đình phát triển bền vững; 583 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 726 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 294 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, các tầng lớp nhân dân về việc tích cực phòng, chống bạo lực gia đình, đề cao vai trò của gia đình và trách nhiệm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Hằng năm, có trên 74% số gia đình trong toàn tỉnh đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai các giải pháp để thực hiện công tác gia đình đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục triển khai các phong trào thi đua, các cuộc vận động về xây dựng gia đình văn hóa; đổi mới phương thức tổ chức các hoạt động, cuộc thi hướng tới giá trị thiết thực, hướng về cơ sở để lan tỏa giá trị tốt đẹp về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc trong cộng đồng.

Với chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 đã và đang được các cấp, ngành triển khai với nhiều hoạt động chào mừng, hướng tới lan tỏa thông điệp ý nghĩa này. Đây cũng là điểm nhấn trong tháng 6 - Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò, vị trí của công tác gia đình trong sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

Bài, ảnh: Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới