Sốp Cộp phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) trên địa bàn huyện Sốp Cộp đã tạo được sự chuyển biến tích cực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh; kinh tế - xã hội được phát triển; an ninh chính trị được giữ vững, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện rõ rệt...

Trung tâm huyện Sốp Cộp.

Huyện Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ. Thời điểm đó, kinh tế - xã hội của huyện xuất phát điểm thấp, cở sở hạ tầng mới bắt đầu được đầu tư xây dựng; tình trạng sản xuất manh mún, phân tán, sản xuất nông nghiệp vẫn còn mang tính tự cung, tự cấp; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, trình độ dân trí của một bộ phận dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có sự chênh lệch khá rõ rệt.

Bà Lò Thúy Hà, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Sốp Cộp, cho biết: Ngay sau khi thành lập, Ban Thường vụ huyện ủy đã tổ chức quán triệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 23- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đến đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện. Chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt nghiêm túc, phổ biến nghị quyết rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa nghị quyết... Qua đó, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và nhân dân về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng điểm của huyện, qua 20 năm, sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện. Việc thực hiện chủ trương về phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm, kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, giảm diện tích cây trồng hằng năm trên đất dốc có hiệu quả kinh tế thấp; triển khai thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện đã chú trọng phát triển cây lương thực có hạt theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, tăng vụ, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Đến nay, toàn huyện có trên 2.170 ha cây ăn quả; đã cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn VietGAP cho 52 ha cây ăn quả; tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt 6.325 ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành vùng chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại ở địa bàn các xã Mường Lạn, Nậm Lạnh, Mường Lèo. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ 68.557 ha rừng hiện có, khôi phục và phát triển rừng, phát triển các vùng trồng cây có lợi thế, như: Mắc ca, sa nhân tím... Đến nay, trên địa bàn huyện có 24 doanh nghiệp, 35 HTX đang hoạt động.

Bên cạnh đó, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vùng nghèo, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai  hiệu quả. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư, xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, giữ vững QPAN; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể; các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu cơ bản được đẩy lùi. Tình hình giải quyết các vấn đề di cư không theo kế hoạch, hoạt động tôn giáo trái pháp luật, tệ nạn xã hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong 20 năm qua, bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện được giữ gìn và phát huy, công tác bảo tồn và phát huy được quan tâm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng và đi vào chiều sâu, với những tiêu chí cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực. Mức hưởng thụ văn hoá, tinh thần của nhân dân được cải thiện; các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 nhà văn hoá đa năng cấp huyện, 8/8 xã có nhà văn hoá cấp xã, 107 nhà văn hoá bản, 7/8 xã có điểm bưu điện văn hoá xã; có 62/106 bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa đạt 58,5%; 7,484/11.456 gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 52%.

Công tác bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được cấp ủy, chính quyền quan tâm và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách về công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đồng bào đân tộc thiểu số, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Sốp Cộp ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, đồng bào nghèo được khám chữa bệnh theo chính sách bảo hiểm y tế được thực hiện đúng quy định. Đến nay, toàn huyện có 100% số xã có trạm y tế hoạt động, 8/8 xã đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế, 7/8 xã có bác sĩ hoạt động, 106/106 bản có nhân viên y tế hoạt động...

Điểm trường mầm non bản Phá Thóng, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, được đầu tư xây dựng kiên cố.

Mạng lưới cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư, lớp học cơ bản được kiên cố hóa đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, cả 8/8 xã đều có trường mầm non, tiểu học, THCS và trung tâm học tập cộng đồng; các bản xa trung tâm xã được bố trí các điểm trường đảm bảo huy động được tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường; trẻ em vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số được huy động học tập tại trường PTDT nội trú, PTDT bán trú, có nhiều chính sách hỗ trợ, huy động học sinh ra lớp đạt tỉ lệ cao. Tính đến năm học 2022, toàn huyện có 22 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và 1 nhóm mầm non tư thục. Huyện duy trì vững chắc kết quả phổ cập, xóa mù chữ cả 8/8 xã. Huyện được UBND tỉnh công nhận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1. Thực hiện tốt công tác xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp xã đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ mức độ 2; huyện được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 năm 2021.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, đồng bào các dân tộc huyện Sốp Cộp đã phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, chung sức, đồng lòng, tương thân, tương ái, khắc phục khó khăn, ổn định đời sống, sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang làm tốt công tác nắm tình hình, tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững biên cương của Tổ quốc, xây dựng huyện ngày càng phát triển.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới