Nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu

Vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng thường chịu ảnh hưởng của các dạng thiên tai, như lũ, lũ quét, sạt lở đất, cháy rừng, hạn hán, sương muối... Nhằm nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh Sơn La đã ban hành chương trình hành động và chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, trọng tâm là các lĩnh vực và nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, như: Tài nguyên nước, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, y tế, người nghèo, phụ nữ, người già, trẻ em, cộng đồng dân tộc thiểu số.

Quan trắc môi trường không khí tại cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, đội ngũ cán bộ và các tầng lớp nhân dân đã nâng cao nhận thức về BĐKH. Thể chế, chính sách về ứng phó BĐKH từng bước được xây dựng, hoàn thiện. Nguồn lực và các điều kiện cơ bản để ứng phó BĐKH bước đầu được chú trọng.

Tuy nhiên, qua điều tra khảo sát tại 38 sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy, thực trạng thiếu đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật chuyên sâu, cán bộ chuyên trách về BĐKH và đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng; hạn chế trong công tác truyền thông và nâng cao nhận thức về BĐKH; chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, nghiên cứu khoa học và công nghệ thích ứng BĐKH; chưa tổng kết và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH phù hợp với cộng đồng. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về BĐKH ở địa phương còn nhiều vướng mắc, đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm, kỹ năng về ứng phó với BĐKH và công tác phòng chống thiên tai.

Trước thực tế đó, năm 2021, Phòng Quản lý Môi trường đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND tỉnh ban hành Đề án nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về BĐKH trên toàn tỉnh, giai đoạn 2021-2030. Ông Cầm Bun Lộc, Phó Trưởng phòng Quản lý môi trường, thành viên nhóm nghiên cứu “Giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về BĐKH tỉnh Sơn La”, chia sẻ: Nhóm nghiên cứu đã lập mẫu phiếu điều tra khảo sát trên 20 chỉ tiêu tương ứng với nhóm đối tượng là cán bộ các sở, ngành và cán bộ địa phương; gửi văn bản, gửi mẫu phiếu khảo sát tại 12 huyện, thành phố; điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, phỏng vấn tại 16 sở, 5 ban, 4 đoàn thể hội, 1 đài ngành KTTV. Rà soát các cơ chế hiện hành của tỉnh về công tác cán bộ quản lý nhà nước về BĐKH, xác định nhu cầu quản lý của địa phương về BĐKH...

Qua thời gian triển khai nghiên cứu, đánh giá, nhóm nghiên cứu xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước các cấp về BĐKH. Đó là: Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BĐKH; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong ứng phó với BĐKH; xây dựng tài liệu, sổ tay nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BĐKH; tài liệu, hướng dẫn thích ứng BĐKH với các vùng dễ bị tổn thương. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực về BĐKH cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trong tỉnh; đẩy mạnh phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về BĐKH các cấp với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thông qua các hoạt động truyền thông BĐKH, nhân rộng các mô hình ứng phó với BĐKH đạt hiệu quả.

Đồng thời, nâng cao vai trò của MTTQ trong phản biện xã hội đối với các chính sách về ứng phó với BĐKH; hoàn thiện kế hoạch hành động đã ký kết giữa MTTQ với các cơ quan quản lý nhà nước về BĐKH. Tổ chức Đoàn các cấp nâng cao vai trò xung kích trong vận động thanh niên tham gia các phong trào bảo vệ môi trường ứng phó BĐKH, chủ động tham gia xây dựng phương pháp tiếp cận, đưa thông tin phù hợp về BĐKH tới cộng đồng. Khuyến khích các cấp hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh tham gia phong trào thi đua bảo vệ môi trường, thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong ứng phó BĐKH. Chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, tham gia phát hiện, xử lý, khắc phục các vi phạm môi trường và ứng phó có hiệu quả với BĐKH.

Cùng với đó, đưa công tác ứng phó BĐKH đến với mỗi hộ gia đình, thông qua việc đa dạng các hình thức tuyên truyền để người dân hiểu về đặc điểm, nguy cơ, thách thức, giải pháp ứng phó BĐKH. Hướng dẫn các hộ gia đình tự xác định, đánh giá, phân tích những rủi ro có thể xảy ra khi có thiên tai tại địa phương, những khả năng có thể sử dụng để các hộ tự lên kế hoạch, tự phân công công việc thực hiện và tự giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch và điều chỉnh phù hợp thực tiễn.

Với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ “Giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về BĐKH tỉnh Sơn La”, sẽ tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức tới hành động, thu hút các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH, hướng tới mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh - nhanh - bền vững.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới