Màu xanh trên những triền đồi ven sông

Trên địa bàn bản Un, xã Song Khủa, huyện Vân Hồ có 315 ha rừng tự nhiên và 30 ha rừng trồng. Bản Un là điển hình về trồng, quản lý, bảo vệ rừng của huyện, góp phần đem lại màu xanh của rừng bên lòng hồ sông Đà thủy điện Hòa Bình.

Tổ quản lý bảo vệ rừng bản Un, xã Song Khủa và kiểm lâm địa bàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng.

Rừng bản Un có 2 khu vực, phía giáp bờ sông chủ yếu là rừng trồng còn lại là rừng tự nhiên tiếp cận theo đường bộ. Đúng lịch hẹn, các thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng tập trung tại bến Khủa, khẩn trương lên thuyền đi tuần tra bảo vệ rừng ven sông. Chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng đưa chúng tôi qua khu nuôi cá lồng, hướng đến rừng cây tếch đang độ thay lá.

Ông Quách Công Mai, người lái thuyền khoát tay chỉ lên phía trên sườn đồi khoe rừng tếch 3 ha của gia đình được dự án trồng rừng hỗ trợ 10 triệu đồng/ha gồm giống và tiền công chăm sóc trong 3 năm đầu tiên. Gia đình tôi và anh em họ hàng làm đổi công nhau, mỗi ngày khoảng 20 người đào hố, mang cây giống trồng trong khoảng 1 tuần mới xong.

Theo lối mòn ngược dốc, chúng tôi leo lên đồi tếch. Những thân đều tăm tắp. Nhìn thành quả hôm nay, các thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng, rôm rả kể: Trước đây, vạt đất ven sông được trồng ngô nhưng do độ dốc cao, năng suất thấp. Liên tiếp 2 năm 2017 - 2018, ở bản bị sạt lở, khiến 78 hộ phải di dời khẩn cấp. Năm đó, Hạt Kiểm lâm huyện làm chủ đầu tư dự án trồng rừng với quy mô 30 ha rừng tếch. Cán bộ kiểm lâm đến bản tuyên truyền, vận động nhân dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc để hạn chế sạt lở, bảo vệ môi trường sống bền vững. Do vậy, bà con hiểu rõ lợi ích của rừng mang lại và tích cực bảo vệ rừng, trồng rừng. Tất cả các hộ dân có nương vùng dọc sông đăng ký trồng rừng, nhiều hộ trồng diện tích lớn, như các gia đình ông: Quách Công Mai, Sa Văn Lợi, Đinh Văn An, Đinh Văn Tiến trồng 3 ha; Đinh Công Hùng trồng 2 ha... Rừng tếch được bà con bảo vệ chăm sóc tốt nên tỷ lệ cây sống cao. Đến nay, rừng tếch đã 5 năm tuổi, có cây to bằng bắp đùi.

Trực tiếp kiểm tra công tác bảo vệ rừng, hướng dẫn bà con tỉa cành, tỉa nhánh để tập trung nuôi thân và cây thẳng, có giá trị cao hơn, anh Trần Lê Trung, kiểm lâm địa bàn, nói: Sau 15 năm, có thể tỉa thưa tếch bán, khi khai thác người trồng rừng phải có đơn gửi Hạt Kiểm lâm và chính quyền địa phương xác nhận, cho phép. Giá tếch hiện tại là 8 triệu đồng/m3, có cây bán tới 15 triệu đồng. Với mật độ khoảng 500-600 cây/ha, nguồn thu rừng tếch mang lại không ít, giá trị lớn hơn là mang lại môi trường sống trong lành, bền vững.

Rừng tếch 5 năm tuổi đúng bằng thời gian sau sắp xếp tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đất. Bà con nay đã ổn định cuộc sống, đoàn kết xây dựng bản ngày càng đổi mới; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là trồng cây ăn quả trên đất dốc, phát triển chăn nuôi, làm tốt công tác bảo vệ rừng. Màu xanh cây trái, màu xanh của rừng, màu xanh bình yên trở lại vạt đất ven sông. Bình quân thu nhập ở bản đạt 30 triệu đồng/người/năm.

Chị Sa Thị Thượng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Un, phấn khởi, nói: 168 hộ, 569 nhân khẩu ở bản có nước uống; 15,5 ha ruộng nước của bản có nước sản xuất đều nhờ nguồn nước từ rừng mà ra. Mỗi năm, bản được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng hơn 100 triệu đồng, các khoản chi đều được sự nhất trí của nhân dân trong bản. Ngoài chi phục vụ công tác tuần tra bảo vệ rừng theo bảng chấm công, bản dành tiền làm các công trình phúc lợi công cộng, như: Đổ sân nhà văn hóa, xây dựng các tuyến mương, làm cống rãnh thoát nước, đổ đường bê tông...

Bản Un xây dựng quy ước, hương ước có nội dung quy định rõ về bảo vệ và phát triển rừng. Bản thành lập Tổ quản lý bảo vệ rừng 15 người, phân công từng tốp thay phiên nhau tuần tra định kỳ hằng tháng, dịp mùa khô tăng cường nhiều hơn. Nhiều năm qua ở bản Un không để xảy ra cháy rừng, bà con không chặt phá rừng, không phát rừng làm nương. Những chuyển biến từ nhận thức tới hành động của nhân dân bản Un, xã Song Khủa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng rất đáng ghi nhận. Bên cạnh mong mỏi nâng cấp đường giao thông, sóng điện thoại, bản mong các cấp, các ngành quan tâm bố trí thêm nguồn hỗ trợ để bản tiếp tục trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, thêm màu xanh bình yên và nhiều nguồn lực để thúc đẩy vùng đất ven sông khởi sắc và phát triển.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới