Hỗ trợ tiêu thụ cà phê gắn với bảo vệ môi trường

Chỉ còn vài ngày nữa bước vào niên vụ cà phê 2022-2023, để đạt “mục tiêu kép” vừa hỗ trợ, kết nối tiêu thụ hết sản lượng cà phê cho nông dân, vừa đảm bảo hoạt động sơ chế, chế biến cà phê không gây ảnh hưởng tới môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, UBND Thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tiếp tục được phát huy và nâng cao.

Sẵn sàng phương án tiêu thụ cà phê

Cà phê là cây công nghiệp chủ lực của Thành phố, với 5.000 ha, trong đó có 4.940 ha cà phê catimor và 50 ha cà phê giống mới chất lượng cao, gồm: Giống THA1, TN1, TN6, TN7, TN9, TN10 được đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2018. Trong đó, diện tích cà phê trồng xen với cây ăn quả khoảng 3.800 ha, diện tích trồng thuần khoảng 1.191 ha. Sản lượng quả tươi niên vụ năm 2022-2023 ước đạt 50.000 tấn, tập trung trên địa bàn các xã: Chiềng Đen, Chiềng Cọ, Chiềng Ngần, Chiềng Xôm, Hua La và phường Chiềng Sinh. Tổng diện tích cà phê được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ khoảng 1.330 ha, với 1.505 hộ áp dụng; 77 ha cà phê được cấp chứng nhận VietGAP.

Sơ chế cà phê tại Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX cà phê Bích Thao, chia sẻ: Để sản xuất cà phê bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, thì việc trồng, chăm sóc, thu hái sơ chế, chế biến phải theo quy trình khép kín. Các doanh nghiệp, HTX sơ chế cà phê hiện đang sử dụng công nghệ tiêu hao từ 1,5-1,9 m³ nước/tấn cà phê quả tươi. HTX đã cải tiến máy bóc tách vỏ quả cà phê và sơ chế theo phương pháp sơ chế khô và sơ chế cà phê mật ong, chỉ sử dụng 0,3 m³ nước/tấn quả cà phê tươi. Cùng với đó, HTX đã chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang trồng cà phê giống mới THA1, TN1, TN6... Hiện nay, HTX đang nghiên cứu nuôi cấy men vi sinh vỏ và nước thải từ sơ chế cà phê để làm phân bón. Niên vụ 2022-2023, HTX dự kiến thu mua, sơ chế, chế biến 150 tấn quả tươi, chế biến 2.000-4.000 tấn cà phê thóc, cà phê nhân; chế biến sâu khoảng 4-6 tấn (cà phê bột nguyên chất, cà phê mật ong).

Còn Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La, đã liên kết mở rộng vùng trồng cà phê, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Hiện nay, Công ty liên kết với 1.415 hộ trồng 1.270 ha cà phê, diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ. Công ty đang làm quy trình đề nghị cấp chứng nhận RA theo quy định. Niên vụ 2022-2023, Công ty dự kiến thu mua, sơ chế khoảng 7.000-8.000 tấn quả cà phê tươi; chế biến khoảng 14.000-16.000 tấn cà phê thóc, cà phê nhân. Cùng với đó, Công ty phối hợp phát triển mô hình cà phê theo hướng hữu cơ tuần hoàn với diện tích 100 ha tại xã Hua La và xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn để nâng cao năng suất cà phê.

Tham gia thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn Thành phố còn có Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Cát Quế, Công ty cà phê Sơn La, doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy... Riêng năm 2021, trên địa bàn Thành phố có 112 điểm thu mua cà phê. Việc thu mua chủ yếu do các tiểu thương tại các xã, phường đặt địa điểm thu mua tại hộ gia đình. Sau khi thu mua cà phê của nông dân, các tiểu thương sẽ bán cho một số đơn vị thu mua lớn trên địa bàn.

Niên vụ cà phê 2022-2023 bắt đầu từ đầu tháng 9 và kết thúc thu hoạch trong tháng 1 năm sau. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Thành phố đã xuất khẩu hơn 4.700 tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu đạt gần 20 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang các nước: Anh, Đức, Mỹ, Nhật... trong đó, Công ty TNHH cà phê Minh Tiến xuất khẩu trực tiếp hơn 4.000 tấn; HTX cà phê Bích Thao Sơn La xuất khẩu ủy thác hơn 700 tấn.

Kiểm soát hoạt động sơ chế cà phê

Đảm bảo vừa nâng cao chất lượng cà phê, tiêu thụ hết sản lượng cho người dân với giá có lợi nhất, vừa đảm bảo hoạt động sơ chế, chế biến cà phê không gây tác động tới môi trường, UBND Thành phố đã chỉ đạo các xã, phường rà soát, lập danh sách toàn bộ cơ sở xay xát, sơ chế, chế biến cà phê, chế biến nông sản, chăn nuôi quy mô trang trại để ký cam kết với Chủ tịch UBND cấp xã. Bên cạnh đó, UBND Thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, phường và đưa ra những khuyến cáo đối với các doanh nghiệp, HTX chuyên thu mua, sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn.

Ông Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết: Thành phố đã giao Phòng Kinh tế Thành phố phối hợp với UBND các xã, phường, các phòng, ban, đơn vị có liên quan tổ chức rà soát, dự báo, đánh giá sản lượng cà phê trong niên vụ 2022-2023; chủ động kết nối với các đơn vị thu mua, chế biến cà phê trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng bị người mua ép giá, gây thiệt hại về kinh tế cho nông dân. Lập nhóm zalo để cập nhật thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND thành phố. Giao Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phân công cán bộ phụ trách địa bàn các xã, phường bám sát cơ sở, phối hợp với UBND các xã, phường trực tiếp hướng dẫn nông dân kỹ thuật thu hái, sơ chế. Công an thành phố chỉ đạo lực lượng phối hợp chặt chẽ với các xã, phường kiểm tra, nắm bắt địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sơ chế, chế biến cà phê theo đúng quy định. Chủ động liên hệ chặt chẽ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua cà phê. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các bản trong việc cập nhật tình hình tiêu thụ, đảm bảo 100% sản lượng cà phê của người dân được tiêu thụ với giá trị cao nhất.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá cà phê niên vụ 2022-2023 sẽ giữ mức ổn định so với niên vụ 2021-2022, đây là tín hiệu vui đối với người nông dân trồng cà phê và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới