Hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hướng về cơ sở tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, là cách thức mà huyện Mộc Châu đã thực hiện trong thời gian qua để giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cán bộ xã Chiềng Sơn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân.

Xã Chiềng Sơn là điểm sáng trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới. Đồng chí Phan Thanh Hoằng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, trong triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã đã tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được mục đích, quyền lợi và trách nhiệm của mình, vận động người dân chung tay đóng góp, hưởng ứng chương trình. Đồng thời, khuyến khích cán bộ, đảng viên tiên phong đi trước, làm trước để nhân dân học tập làm theo. Xã đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hơn 50 công trình với tổng số vốn trên 38,8 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 17,2 tỷ đồng.

Đồng chí Lò Anh Đông, Trưởng ban Dân vận huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, xã hội, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở, gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.

Đến nay, 193 bản, tiểu khu trên địa bàn toàn huyện đã có chi bộ, ban quản lý, ban mặt trận và các tổ chức đoàn thể đạt 100%; trong đó, 103 bản, tiểu khu thực hiện chủ trương bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản; xây dựng được 1.399 nhóm liên gia tự quản, 3 mô hình “Dòng họ tự quản” về an ninh trật tự. Toàn huyện đang duy trì 136 mô hình “Dân vận khéo” về phát triển kinh tế, xã hội; quốc phòng, an ninh, đã tạo sự lan tỏa, thu hút nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, tham gia vào các phong trào, các cuộc vận động ở cơ sở. Đồng thời, các bản đã phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư.

Ông Triệu Văn Dần, người có uy tín ở bản Chiềng Khòng, xã Quy Hướng luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của bản, phối hợp với Ban quản lý bản tuyên truyền nhân dân chuyển đổi từ trồng ngô, sắn trên nương sang trồng cây ăn quả; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao thu nhập. Ông Dần chia sẻ: Tôi suy nghĩ, muốn thuyết phục được người dân thì mình phải gương mẫu, đi trước, làm trước. Hiện, gia đình tôi trồng trên 1 ha nhãn, na và chuối; chăn nuôi bò sinh sản, lợn thịt, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình tôi có nhiều hộ trong bản đến học làm theo và đã thoát nghèo.

Bên cạnh đó, huyện Mộc Châu đã triển khai kịp thời các chính sách đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng 377 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, y tế, giáo dục, nhà văn hóa với tổng vốn đầu tư gần 508 tỷ đồng. Hiện nay, 15/15 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% xã, thị trấn có bác sỹ; 100% bản, tiểu khu có đường ô tô, nhà văn hóa và nhân viên y tế.

Từ những chính sách hỗ trợ, các công trình phục vụ đời sống và sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư, đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái, nhiều mô hình kinh tế trang trại áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới