Trồng cây để thành rừng

Ba năm trở lại đây, nhiều hộ dân xã Nà Bó, huyện Mai Sơn đã tích cực phủ xanh những vùng đất trống, đồi trọc thành những khu rừng cây nguyên liệu. Các mô hình trồng rừng ngày càng được nhân rộng, tăng thu nhập cho người dân và từng bước giúp lâm nghiệp phát triển bền vững.

Diện tích thông hơn 3 năm tuổi tại bản Đông Sàn, xã Nà Bó, huyện Mai Sơn.

Dẫn chúng tôi đến bản Đông Sàn, cách trung tâm xã 4 km. Từng vạt rừng xanh thẫm hiển hiện, anh Hoàng Hữu Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Bó, cho biết: Trước đây, các hộ dân trong xã sống phụ thuộc vào làm nương, nên đã xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất rừng để sản xuất; cùng với đó, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, chia cắt nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, cây làm ranh giới và triển khai đến các khu dân cư, các hộ dân; tổ chức rà soát các loại cây lâm nghiệp thích hợp để đưa vào trồng sao cho phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng.

Với mục tiêu trồng rừng hiệu quả, “trồng cây nào sống cây ấy, trồng diện tích nào thành rừng diện tích ấy”, xã đã thành lập các tổ công tác phụ trách đến tận địa bàn, hộ dân để tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật trong trồng và chăm sóc. Nhờ đó, chất lượng nguồn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc luôn đảm bảo hiệu quả. Với những diện tích rừng trồng năm thứ nhất, thứ hai bà con đã chủ động trồng xen canh một số loại cây như sắn, cà phê. Cách làm “lấy ngắn nuôi dài” này đã mang lại hiệu quả kinh tế, bởi trong thời gian chờ cây đến tuổi khép tán thì người dân có thêm thu nhập.

Anh Lèo Văn Quyết, bản Đông Sàn có 2,3 ha trồng thông caribe, cho biết: Trước đây, gia đình trồng ngô, sắn, bạch đàn nhưng thu nhập cũng không đáng kể. Năm 2020, khi xã có chủ trương trồng thông caribe, gia đình tôi đã đăng ký trồng. Đến nay, cây đã cao hơn 3m, không có sâu bệnh, không phải chăm sóc mà chỉ cần bảo vệ. Dự kiến 3 - 4 năm nữa là sẽ cho khai thác, với giá bán như hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/ha.

Tiếp tục thăm 1,5 ha quế của gia đình ông Hà Văn Vân, bản Nà Hường. Ông Vân, cho biết: Thông qua việc tuyên truyền của chính quyền địa phương, nhận thấy việc trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tôi quyết định đưa cây quế vào trồng vì đất ở đây rất dốc. Khi đăng ký trồng rừng với xã, tôi đã được cán bộ xã, kiểm lâm địa bàn hướng dẫn cách xử lý đất, đào hố trồng, cách phòng sâu bệnh hại. Sau 8 tháng trồng, tỷ lệ cây sống đạt 80%. Chúng tôi đang tập trung theo dõi, đợi mưa xuống sẽ bổ sung trồng dặm diện tích cây bị chết.

Lãnh đạo xã Nà Bó tuyên truyền, vận động nhân dân bản Nà Hường trồng rừng.

Hai năm 2020-2021, hai bản Đông Sàn và Trung Thành trồng gần 70 ha rừng trên diện tích đất nương bạc màu. Năm 2022, nhân dân trong xã tiếp tục trồng 36,8 ha rừng; 40.000 cây phân tán và cây ranh giới; trong đó 38.800 cây do người dân tự bỏ tiền để mua cây giống, phân bón, công lao động để trồng. Ông Lê Đình Thuân, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, tổng diện tích rừng toàn xã là hơn 1.000 ha, độ che phủ rừng đạt 43%. Cái được lớn nhất trong trồng rừng là ý thức tự giác của người dân được nâng lên. Ngoài việc trồng rừng theo chương trình hỗ trợ cây giống của Nhà nước, bà con đã chủ động đầu tư nguồn vốn để mở rộng diện tích rừng.

Từ thực tiễn việc trồng, phát triển rừng, Nà Bó đã và đang trở thành điểm sáng, điển hình trong phong trào trồng rừng của huyện Mai Sơn. Thời gian tới, xã Nà Bó tiếp tục vận động người dân vừa bảo vệ tốt diện tích rừng trồng trước đó và thực hiện trồng rừng mới mỗi năm khoảng 15-20 ha rừng, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và tăng thu nhập cho nông dân.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới