Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng Mộc Châu ngày càng giàu đẹp

Những ngày tháng 11 lịch sử, chúng tôi theo những người lính trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Mộc Châu trở lại thăm Đồn Mộc Lỵ, nơi ghi dấu chiến thắng oanh liệt 70 năm trước. Năm tháng đi qua, nhưng ký ức về đồng đội và trận đánh quyết tử giải phóng Mộc Châu vẫn khắc sâu trong tâm trí những người lính năm xưa.

Du lịch Mộc Châu nhận giải Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới năm 2022

Ông Nguyễn Văn Cường, Cựu chiến binh Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, ở tại tiểu khu Bệnh viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chia sẻ: Đồn Mộc Lỵ là căn cứ đặc biệt quan trọng được thực dân Pháp xây dựng án ngữ trên ngã ba quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Sơn La và quốc lộ 43 từ Mộc Châu sang Lào, nên địch bố trí một hệ thống công sự, lô cốt rất kiên cố với nhiều tầng hỏa lực. Đúng 23 giờ 30 phút đêm 19/11/1952, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công. Sau 3 giờ chiến đấu vô cùng ác liệt, trận đánh đồn Mộc Lỵ kết thúc thắng lợi. Ngày 20/11/1952, Mộc Châu hoàn toàn giải phóng, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Mộc Châu.

Ngay sau giải phóng, với chủ trương của Trung ương Đảng, Chính phủ, đó là thúc đẩy phát triển kinh tế ở vùng Tây Bắc, năm 1958, các chiến sỹ Trung đoàn 280, Sư đoàn 335, quân tình nguyện Việt Nam hoạt động ở Trung Lào đã về tập kết tại cao nguyên Mộc Châu thành lập Nông trường Quân đội với nhiệm vụ “Xây dựng mô hình Nông trường xã hội chủ nghĩa ở miền núi, xây dựng cao nguyên Mộc Châu thành vùng giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng”.

Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ trong lần về thăm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu ngày 8/5/1959: “Luôn luôn cố gắng, khắc phục khó khăn, tiến lên thật hăng, làm tròn nhiệm vụ”, cán bộ, đảng viên đã tập trung phát triển kinh tế, các sản phẩm nông nghiệp truyền thống như chè, sữa đã khẳng định uy tín trên thị trường. Đến nay, huyện Mộc Châu đã có hơn 25.000 con bò sữa, sản lượng sữa đạt gần 100.000 tấn/năm. Từ những hạt giống chè Shan tuyết ban đầu, mồ hôi ướt đẫm vai áo, bàn tay chai sạn với đất cằn sỏi đá... cùng sự chắt chiu, nâng niu để hạt giống bén rễ, đến nay đã phủ xanh gần 2.000 ha trên cao nguyên, cho sản lượng gần 25.000 tấn mỗi năm. Hương chè, hương sữa quyện trong “gió mới” làm thay đổi cuộc sống của người dân Mộc Châu.

Là đơn vị sản xuất chè thành lập sớm nhất tại Sơn La, Vinatea Mộc Châu có những bước phát triển mới trên thị trường. Ông Lê Chí Long, Giám đốc Vinatea Mộc Châu, thông tin: Nhiều năm qua, Công ty đã thực hiện mô hình sản xuất chè theo chuỗi giá trị. Các khâu từ trồng, chăm sóc, thu hái đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngày 15/2/2022, UBND tỉnh đã có quyết định công nhận vùng chè ứng dụng công nghệ cao Vinatea Mộc Châu với diện tích hơn 329 ha của 1.179 hộ dân trồng chè tại thị trấn Nông trường Mộc Châu liên kết sản xuất với Vinatea Mộc Châu.

Cơ sở hạ tầng, bộ mặt đô thị du lịch, nông thôn mới thay đổi từng ngày, phục vụ đắc lực cho sản xuất, lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân. Đến nay, Mộc Châu đã hoàn thành hơn 1.000 tuyến đường với tổng chiều dài gần 500 km. Các công trình từ trụ sở làm việc của huyện, các xã, thị trấn, trường học, bệnh viện, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khang trang, hiện đại, tạo diện mạo mới cho các khu vực trung tâm, đáp ứng các tiêu chí của thị xã Mộc Châu trong tương lai.

Thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển, Mộc Châu dần trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Huyện Mộc Châu được trao giải là điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á, hàng đầu thế giới năm 2022. Lượng du khách đến với Mộc Châu hàng năm đạt trên 1 triệu lượt, nhiều dự án du lịch được xây dựng với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Ông Đinh Hồng Phúc, Phó Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Pha Luông, cho biết: Sau 10 năm làm du lịch trên cao nguyên Mộc Châu, đến nay đã có những sản phẩm du lịch, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, như thác Dải yếm, cầu kính tình yêu; rừng thông Hua Tạt, chợ đêm Mộc Châu..., góp phần xây dựng Mộc Châu trở thành điểm nghỉ dưỡng yêu thích của du khách.

Văn hóa, giáo dục, y tế được duy trì và phát triển. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, tập trung giúp đỡ các hộ nghèo, các vùng đặc biệt khó khăn, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4,9%. Từ năm 2001 đến nay đã làm được hơn 1.100 nhà cho người nghèo.

Đồng chí Trần Dân Khôi, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII. Trong đó, tập trung thực hiện 4 khâu đột phá, gồm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội đô thị để đạt tiêu chí đô thị loại IV; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ; phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của huyện, dần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu xây dựng Mộc Châu trở thành thị xã vào năm 2025.

Huy Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới