Cân bằng, hài hoà để hạnh phúc

Tháng 6-2012, Liên hợp quốc chọn ngày 20-3 hằng năm là Ngày Quốc tế Hạnh phúc.

Đây là ngày đặc biệt trong năm vì vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, khiến độ dài giữa ngày và đêm bằng nhau. Hình ảnh này là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối... Từ đó, Liên hợp quốc muốn truyền tải thông điệp cân bằng, hài hòa là một trong những yếu tố quan trọng để mang đến hạnh phúc.

Đã có 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có Việt Nam hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Ngày 26-12-2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm” và năm 2014, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Hạnh phúc được Việt Nam phát động, tổ chức. Đến nay, hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc đã trở thành thường niên với nhiều hoạt động thiết thực, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng.

Năm 2023, hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc của Việt Nam được tổ chức cao điểm từ 15 đến 20-3 với các thông điệp như: Hãy hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc; tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình; bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên; hạnh phúc là yêu thương và chia sẻ; lòng nhân ái mang lại hạnh phúc; gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia hạnh phúc...

Những thông điệp trên cho thấy hạnh phúc không phải điều gì to tát mà rất giản dị, gần gũi. Trên thực tế, mỗi cá nhân đều gắn với gia đình cụ thể. Trong khi đó, gia đình là tế bào của xã hội; gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển, hưng thịnh. Muốn gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì không thể thiếu được sự đóng góp, vun đắp của mỗi cá nhân, của thành viên gia đình.

Mỗi người có cách vun đắp hạnh phúc gia đình khác nhau, song, biểu tượng cân bằng, hài hòa mà Liên hợp quốc chọn làm thông điệp rất đáng để chúng ta áp dụng. Cân bằng, hài hòa là ở mỗi gia đình, cần có sự chung tay, đóng góp của tất cả thành viên; cùng nhau bàn bạc, trao đổi, thống nhất trước khi quyết định những việc hệ trọng; biết san sẻ những khó khăn; biết cân đối giữa “công” và “tư”... Thực tế, có những gia đình, người chồng hoặc vợ chỉ biết đến công việc, kiếm tiền mà ít quan tâm đến gia đình, con cái, ít có sự gắn kết giữa các thành viên. Những gia đình như thế dù có giàu sang nhưng sẽ mất cân bằng, hài hòa và khó có được hạnh phúc trọn vẹn!

Hạnh phúc không quá xa vời, nhưng cũng không phải dễ tìm kiếm. Hạnh phúc có ở xung quanh mỗi người, bắt nguồn từ những điều nhỏ bé, giản dị. Chỉ cần chúng ta chủ động xây dựng, vun đắp, biết cân bằng, coi trọng hài hòa các giá trị, hạnh phúc sẽ đến với mỗi cá nhân và gia đình. Khi mỗi gia đình hạnh phúc sẽ góp phần xây dựng một cộng đồng, quốc gia, thế giới hạnh phúc.

Theo Báo QĐND
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới