Tình huống pháp luật: Xử lý vật chứng

Câu hỏi tình huống: Trong các vụ việc (chưa khởi tố vụ án) có liên quan đến tiền mặt (trộm cắp tài sản, cướp, cưỡng đoạt...) sau khi thu giữ, cơ quan điều tra xử lý như thế nào? Trường hợp cơ quan điều tra tiến hành gửi số tiền đã thu vào Kho bạc Nhà nước (chưa khởi tố vụ án) và có giấy nộp tiền thì khi khởi tố vụ án có phải nhập vật chứng giấy nộp tiền không? Trường hợp cơ quan điều tra tiến hành khởi tố vụ án, nhưng không tìm thấy bị hại, chủ sở hữu hợp pháp của số tiền đã thu giữ thì số tiền này sẽ xử lý như thế nào?

Trả lời: 

Thứ nhất, cơ quan điều tra sẽ xử lý số tiền do phạm các tội cướp tài sản, trộm cắp tài sản... như thế nào trong quá trình điều tra?

Số tiền do phạm các tội cướp tài sản, trộm cắp hay cưỡng đoạt tài sản được xem vật chứng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Việc xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 106- Xử lý vật chứng,  Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, như sau:1. Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện Kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý, như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy.

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:

a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.

b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy.

d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo quy định trên, số tiền do phạm các tội trộm cắp tài sản, cướp hay cưỡng đoạt tài sản mà có thì cơ quan điều tra sẽ tạm giữ vật chứng để phục vụ cho hoạt động điều tra. Theo đó, số tiền sẽ được giữ để phục vụ điều tra vụ án, khi kết thúc thời hạn điều tra hoặc không cần thiết giữ để điều tra thêm thì cơ quan công an sẽ trả lại chủ sở hữu. Còn trường hợp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì vật chứng là số tiền sẽ được lập tức trả lại chủ sở hữu.

Thứ hai, giấy nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước là căn cứ để xác định một chủ thể đã nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước.Vật chứng trong vụ án hình sự cũng như vậy, nếu là tiền khi nộp vào Kho bạc Nhà nước buộc phải có giấy nộp tiền. Đó là một loại giấy tờ nằm trong hồ sơ khởi tố của Viện Kiểm sát và là minh chứng cho việc bảo quản vật chứng trong trường hợp này.

Thứ ba, vấn đề xử lý vật chứng trong trường hợp cơ quan điều tra không tìm thấy người bị hại hoặc chủ sở hữu.

Theo quy định tại Điều 228- Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, Bộ Luật dân sự 2015:

Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.

Sau 5 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là bất động sản thì bất động sản đó thuộc về Nhà nước; người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trường hợp số tiền bị thu giữ mà không tìm được chủ sở hữu thì sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn không xác định được chủ sở hữu thì số tiền đó sẽ được sung quỹ Nhà nước.

Tòng Minh (Trung tâm TGPL)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới