Xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến là giải pháp quan trọng để ổn định tiêu thụ, nâng cao giá trị, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản, tỉnh ta đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến theo chuỗi liên kết, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản Sơn La.

Dây chuyền sản xuất hoa quả tươi của Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ.

 

Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp” của Việt Nam, với những con số “biết nói”. Đến năm 2020, toàn tỉnh có gần 80.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả ước đạt 450.000 tấn. Một số vùng nguyên liệu nông sản của Sơn La đứng trong tốp đầu cả nước, như: nhãn trên 80.000 tấn, mận, mơ gần 62.000 tấn (lớn nhất cả nước), xoài gần 44.000 tấn (đứng thứ 2 cả nước)... Một số sản phẩm đã xuất khẩu sang các thị trường lớn, như: Cà phê xuất sang Đức, Malaysia; chè sang Nhật Bản, Đài Loan, Afghanistan; tinh bột sắn sang Trung Quốc, Canada; long nhãn sang Trung Quốc, Hàn Quốc... Giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản năm 2020 của tỉnh đạt 5.400 tỷ đồng, tăng 63,8% so với năm 2016, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập trung bình đạt từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Đóng góp vào thành tựu chung của kinh tế tỉnh nhà, ngành Công Thương đã làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác lợi thế của tỉnh gắn với vùng nguyên liệu phục vụ chế biến. Nhờ đó, số lượng cơ sở chế biến theo quy mô công nghiệp tăng từ 28 cơ sở năm 2016, lên 47 cơ sở vào năm 2020. Đồng thời, Sở đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản. Đến nay, đã có 16 mặt hàng nông sản của tỉnh xuất khẩu sang thị trường 12 nước trên thế giới.

Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hoàn thành đi vào hoạt động tháng 11/2018, là nhà máy có công nghệ hiện đại, công suất 20.000 tấn cà phê quả tươi/năm. Ông Vũ Việt Thắng, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị những kế hoạch để song hành cùng các mục tiêu phát triển của tỉnh Sơn La. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng thị trường xuất khẩu bình quân giai đoạn 2022-2025 từ 25%/năm, thị trường nội địa bình quân đạt 20%/năm. Sản phẩm chất lượng của dòng cà phê Arabica Blue Sơn La được đảm bảo ở mức cà phê chất lượng cao, tiệm cận cà phê đặc sản SCA của thế giới và có đặc trưng riêng của Sơn La, Tây Bắc. Dự kiến năm 2025, nhà máy chế biến các sản phẩm cà phê nhân chất lượng cao Blue Sơn La đạt 6.000 tấn nhân/năm và các sản phẩm cà phê Blue Sơn La, cà phê rang xay, cà phê nguyên liệu ngành thực phẩm, đồ uống nội địa đạt 300 tấn; tổng doanh thu ước tính 600 tỷ/năm.

Mới đây, Sơn La đã thu hút được Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đầu tư xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La tại Mai Sơn, với công suất 52 nghìn sản phẩm/năm, gồm 3 dây chuyền: Dây chuyền lạnh IQF; dây chuyền đồ hộp và dây chuyền nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên. Sản phẩm chế biến gồm: dứa, chanh leo, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt, xoài, bơ... Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty, thông tin: 20% sản phẩm của Công ty tiêu thụ trong nước, 80% xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Israel. Hiện nay, Doveco Sơn La đã ký hợp đồng với 41 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp để liên kết trồng và thu mua sản phẩm. Dự kiến cuối năm 2021 Trung tâm chế biến sẽ hoàn thành đi vào hoạt động.

Xu hướng tiêu dùng của thế giới đang chuyển mạnh từ tiêu dùng sản phẩm quả, chế biến thô sang tiêu dùng sản phẩm chế biến sâu, là cơ hội cho ngành chế biến nông sản phát triển. Để nông sản Sơn La có thể vươn tới các thị trường xa mà xuất khẩu tươi không tới được, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với các sở, ngành chức năng của tỉnh, các huyện, thành phố triển khai hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, thu hút đầu tư, hoàn thành đi vào hoạt động ít nhất 9 nhà máy chế biến nông sản quy mô công nghiệp; phấn đấu mỗi huyện, thành phố ít nhất có 1 cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản nông sản quy mô công nghiệp phù hợp vùng nguyên liệu... đưa giá trị sản phẩm nông sản chế biến tham gia xuất khẩu trên địa bàn toàn tỉnh đạt 166 triệu USD vào năm 2025.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới