Tập trung đào tạo nguồn nhân lực

Dự án “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025” được triển khai đã giúp huyện Yên Châu có nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân trong vùng dự án.

Trường THCS xã Chiềng On, huyện Yên Châu được đầu tư xây dựng khang trang.

Đến thăm Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng On, huyện Yên Châu, ấn tượng với điều kiện cơ sở vật chất nơi đây được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi, sân trường được bê tông, tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh học tập và sinh hoạt bán trú tại trường học.

Thầy giáo Vũ Lê Khang, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Trường có 15 lớp, 617 học sinh, trong đó, có 430 học sinh ở bán trú. Hiện các nhà đa năng, nhà bếp, sân chơi, sân thể thao của nhà trường đã được xây kiên cố. Tháng 10 vừa qua, có 1 nhà bán trú 6 phòng ở cho học sinh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; còn 1 nhà lớp học 2 tầng, 6 phòng học dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Em Vì Văn Cường, lớp 9B, cho biết: Nhà em ở bản Nà Cài, cách trường 7km. Từ năm lớp 6, em được nhà trường bố trí cho ở bán trú, được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở. Ngoài giờ học, em được tham gia các  hoạt động thể dục, thể thao và được các thầy, cô hướng dẫn ôn bài.

Công tác tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện quan tâm. Nếu như trước đây, gia đình anh Vũ Văn Thược và các hộ dân bản Cồn Huốt 1, xã Phiêng Khoài, trồng mận hậu chủ yếu để phát triển tự nhiên nên năng suất, chất lượng thấp, thì 5 năm trở lại đây, nhờ được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP, đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc, sử dụng nhiều phân hữu cơ, chủ động trong tưới tiêu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Thược chia sẻ: Sau khi tham gia lớp học tôi đã thực hiện đốn, cắt tỉa những cành già cỗi, những cây mận cao đốn tỉa tạo tán thấp để thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch; đến mùa đậu quả thì tiến hành tỉa bớt quả. Nhờ vậy, vườn mận hậu của gia đình cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, được thương lái thu mua tận vườn và xuất bán vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Năm nay, 6 ha mận hậu của gia đình đã cho thu hoạch trên 60 tấn quả, thu nhập trên 1 tỷ đồng. Riêng mận hậu trái vụ năm nay, gia đình tôi đã thu được 600 triệu đồng

Từ đầu năm đến nay, huyện Yên Châu đã đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trường THCS xã Chiềng On; tổ chức 8 lớp xóa mù chữ cho 338 đồng bào dân tộc thiểu số. Mở được 21 lớp đào tạo nghề cho hơn 600 lao động nông thôn của các xã: Phiêng Khoài, Chiềng On, Lóng Phiêng, Chiềng Tương, Yên Sơn. Tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp cho trên 1.000 người lao động, đoàn viên, thanh niên và học sinh trên địa bàn huyện. Tổ chức 39 lớp đào tạo dưới 3 tháng về kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả và chăn nuôi cho 1.365 lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn các xã Chiềng Đông, Chiềng Sàng, Chiềng Pằn, Viêng Lán, Chiềng Khoi, Sặp Vạt, Chiềng Hặc, Tú Nang, Lóng Phiêng, Phiêng Khoài, Chiềng On, Yên Sơn. Hiện nay, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo, tập huấn của huyện đạt 72,8%.

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc; rà soát, đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, làm cơ sở để tổ chức thực hiện chương trình gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới; đầu tư cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú, đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan và UBND các xã, thị trấn rà soát tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn được giao. Ưu tiên nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn thực hiện chương trình trên địa bàn các xã, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình tại địa phương, phát huy vai trò giám sát của nhân dân và phát huy hoạt động giám sát cộng đồng…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới