Đồng hành cùng doanh nghiệp, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn

Ngày 17/3, tại huyện Mộc Châu, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”.

Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp, người nông dân vì một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn”.

Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình, Phú Thọ; các chuyên gia và nhà khoa học; các doanh nghiệp, HTX, nông dân tiêu biểu.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Với chủ đề “Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ xã hội - Đào tạo nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, Hội nghị là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của Học viện sẽ tổ chức tại các địa phương trong các vùng trên cả nước, góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của học sinh THPT. Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Nông dân huyện Mộc Châu chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển cây ăn quả ở địa phương. 

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, HTX, nông dân các địa phương đã trực tiếp đặt câu hỏi về việc phát triển cây ăn quả cũng như công nghệ chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, bày tỏ mong muốn được giải đáp các kỹ thuật nâng cao chất lượng cây có múi, cây mận hậu, mắc ca..., những loại cây đang phát triển mạnh ở các tỉnh Tây Bắc.

Các chuyên gia đầu ngành của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững; việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và an toàn; định hướng, nhu cầu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; việc chuyển giao khoa học công nghệ, sản xuất, chế biến…

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông phát biểu tại Hội nghị.

Tại Sơn La, với trên 1 triệu ha diện tích đất nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp khác nhau, nhất là phát triển cây ăn quả trên đất dốc theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng công nghệ cao.

Đến nay, toàn tỉnh có trên 83.000 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 362.000 tấn; gần 19.000 ha cà phê, sản lượng đạt trên 29.600 tấn; trên 30.670 ha diện tích cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, hữu cơ; 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn...

Toàn tỉnh có 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 769 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Có trên 25.400 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, trình độ khoa học công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất phối hợp công tác đào tạo nguồn nhân lực với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. 

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Đông trân trọng đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh vào học tập tại Học viện, trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp. Tăng cường hợp tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ cao; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn Học viện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm. Phối hợp đào tạo, nghiên cứu khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng và thương mại điện tử. Nghiên cứu, đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ theo 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm…, góp phần sớm xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc.

Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Sơn La ký kết hợp tác.
Các đại biểu tham quan gian hàng sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La.

Ngay sau hội nghị, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết hợp tác với các sở, ngành của tỉnh Sơn La trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật.  

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới