Đoàn kết, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo xây dựng huyện phát triển

Cách đây 70 năm, ngày 7/3/1953, Khu ủy Tây Bắc quyết định thành lập châu Sông Mã, thuộc tỉnh Sơn La, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Sông Mã - vùng biên giới hẻo lánh, có vị trí xung yếu của khu Tây Bắc. Trải qua hai phần ba thế kỷ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sông Mã luôn đoàn kết một lòng, đổi mới. sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh, chung sức xây dựng huyện ngày càng phát triển, giữ vững vùng biên cương Tổ quốc, xứng danh đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân.

Trung tâm thị trấn Sông Mã hôm nay.  Ảnh: PV

Khi mới thành lập, châu Sông Mã có 2.400 hộ, dân số khoảng 15 nghìn người. Trải qua các giai đoạn xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp to lớn về sức người, sức của trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Đồng thời, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên giới, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động; chi viện cao nhất cho chiến trường C.

Thực hiện Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ, huyện Sông Mã chia tách thành huyện Sông Mã và huyện Sốp Cộp. Huyện có đường biên giới dài hơn 43,5 km, giáp với huyện Mường Ét, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Hiện nay, huyện có 18 xã, 1 thị trấn, dân số trên 160 nghìn người; có 4 xã biên giới, gồm Mường Sai, Mường Cai, Chiềng Khương, Mường Hung; có cửa khẩu Quốc gia Chiềng Khương.

Huyện ủy Sông Mã tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân. 

Năm 1954, Đảng bộ huyện Sông Mã chỉ có 28 đảng viên, đến nay đã có 37 tổ chức cơ sở đảng, trong đó 13 chi bộ cơ sở và 24 đảng bộ cơ sở, tổng số 7.828 đảng viên. Đảng bộ thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát quy định của Điều lệ Đảng, đổi mới phong cách, lề lối làm việc theo hướng khoa học, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện. Đảng bộ đã gắn thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tạo sự chuyển biến và sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên.

Tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện được sắp xếp, kiện toàn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Công tác phát triển Đảng, nhất là ở những chi bộ còn ít đảng viên được quan tâm, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ở cơ sở. Vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy. Khối đại đoàn kết toàn dân được giữ vững và tăng cường. Kết quả đánh giá hàng năm, Đảng bộ có trên 98% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, hơn 95% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Sông Mã.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện luôn đổi mới, năng động, sáng, tạo khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong đó, vùng kinh tế dọc sông Mã và quốc lộ 4G là vùng kinh tế chủ lực của huyện, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Vùng cao được quan tâm đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất...

Cán bộ xã Chiềng Khoong hướng dẫn nhân dân chăm sóc nhãn.

Toàn huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giảm diện tích cây lương thực kém hiệu quả trên đất dốc, phát triển cây ăn quả và trồng rừng. Hiện nay, huyện có 10.662 ha cây ăn quả, sản lượng đạt trên 90 nghìn tấn quả/năm. Vùng cây trồng có lợi thế được chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Đặc biệt, đã tạo được vùng chuyên canh cây nhãn với trên 7.500 ha, chất lượng cao và được cấp chứng nhận bảo hộ; xây dựng  2.762 lò chế biến long nhãn. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng trong và ngoài nước, bước đầu tiếp cận được các thị trường quốc tế.

Đến nay, Sông Mã có 17 hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo được 3 chuỗi sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Chăn nuôi tiếp tục được quan tâm phát triển, nhất là chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ; chú trọng cải tạo giống và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi. Tổng đàn gia súc, gia cầm có trên 1 triệu 268 nghìn con. Duy trì, phát triển 421 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, sản lượng đạt 4,3 nghìn tấn/năm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển, thu hút đầu tư được 1 dự án sản xuất gạch Tuynel, 2 dự án sản xuất bê tông thương phẩm, 8 dự án thủy điện. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Thu ngân sách trên địa bàn huyện tăng trưởng qua các năm (năm 2022 đạt 197 tỷ đồng, vượt 29% dự toán tỉnh giao).

Giờ học của cô và trò Trường THCS Nà Nghịu.

Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 53 trường học, trong đó 47 trường đạt chuẩn quốc gia. Các xã, thị trấn duy trì tốt kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đạt trên 99%. Đội ngũ cán bộ y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng. Y tế dự phòng được tăng cường, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Các phong trào văn nghệ, thể thao phát triển sâu rộng. Toàn huyện có 30% bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa và gần 60% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 40% dân số thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.

Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại với huyện Mường Ét, Xiềng Khọ, nước CHDCND Lào ngày càng sâu rộng và hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương trên đường tuần tra.

Trong những năm tới, cùng với sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh, huyện Sông Mã bước vào giai đoạn phát triển mới, với những bước tiến mới và toàn diện hơn. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Sông Mã trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Quyết tâm xây dựng Đảng bộ, chính quyền huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Hai là, tiếp tục duy trì phát triển kinh tế hợp lý, phù hợp với tiềm năng và nguồn lực của huyện. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ.

Cắt băng khởi hành lô nhãn Sông Mã tiêu thụ tại thị trường EU và Vương quốc Anh năm 2022.

Ba là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để từng bước hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn với tập trung xây dựng nông thôn mới; xây dựng thị trấn Sông Mã thành đô thị loại IV.

Bốn là, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Năm là, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Duy trì tình đoàn kết hữu nghị với huyện Mường Ét, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.

Với truyền thống đoàn kết, tinh thần tự chủ, sáng tạo, huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, nắm bắt thời cơ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, phấn đấu xây dựng Sông Mã thành huyện phát triển khá của tỉnh.

Bảng vàng thành tích

- 3 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân

- 4 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng

- Chủ tịch nước tặng thưởng 3 Huân chương Lao động hạng Nhất; 2 Huân chương Lao động hạng Nhì; 4 Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể.

- 10 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

- Hàng nghìn tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành tặng Bằng khen.

 

Nguyễn Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sông Mã
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới