Sáp nhập - mở rộng không gian phát triển mới: Kỳ II: Tạo tiềm lực, vững niềm tin

Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, quá trình sắp xếp, sáp nhập các bản, tiểu khu của tỉnh Sơn La đã hoàn thành đúng tiến độ, làm giảm đáng kể số lượng bản, tiểu khu và kinh phí chi cho các chức danh. Đồng thời, tăng quy mô số hộ và nhân khẩu, nâng cao hiệu quả các hoạt động, phong trào ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

UBND huyện Yên Châu tổ chức lấy ý kiến nhân dân về mở rộng địa giới hành chính thị trấn Yên Châu.

Khởi sắc các bản sáp nhập

Sau sáp nhập, chúng tôi về bản Cơi Quỳnh, xã Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, cảm nhận rõ nét sự đổi thay nơi đây. Ông Vũ Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Mai, cho biết: Quá trình xã xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập bản và tổ chức lấy ý kiến nhân dân đều nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 bản. Vì vậy, việc sáp nhập diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. 

Cơi Quỳnh là 1 trong 10 bản đặc biệt khó khăn của xã Chiềng Mai, thành lập năm 2019 trên cơ sở sáp nhập 3 bản, gồm: Quỳnh Mai (bản tái định cư Thủy điện Sơn La ở huyện Quỳnh Nhai chuyển đến), bản Cơi và bản Huổi My; với 106 hộ dân, 532 nhân khẩu.

Sau sáp nhập, mặc dù quy mô của bản mở rộng, số hộ, số khẩu, thành phần dân tộc tăng lên, dẫn đến việc quản lý, điều hành của bản gặp không ít khó khăn. Song, nhận thức được sự cần thiết của việc sáp nhập nên cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bản đều nỗ lực vượt qua khó khăn ban đầu, đoàn kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Ông Hà Văn Quân, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cơi Quỳnh, xã Chiềng Mai, nói: Bản tập trung tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng những vấn đề phát sinh nhân dân phản ánh, như phối hợp với cấp trên đính chính thông tin trên các loại giấy tờ tùy thân; xây dựng hương ước phù hợp điều kiện của bản mới. Tổ chức kiện toàn các nhóm liên gia tự quản, tổ hòa giải và đội văn nghệ, thể thao nhằm duy trì hoạt động hiệu quả. Đồng thời, bố trí địa điểm xây dựng nhà văn hóa và khu vui chơi thể thao mới, phù hợp điều kiện thực tế.

Sự đồng lòng, quyết tâm cao, bản Cơi Quỳnh nhanh chóng ổn định, đời sống nhân dân có bước phát triển khá, thu nhập bình quân đạt 56,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,92%; bản hoàn thành 16/16 tiêu chí bản nông thôn mới.

Còn xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, sau khi sáp nhập 2 bản Chộ và bản Muông để thành lập bản mới bản Chộ Muông, tuyến đường nội bản dài gần 2 km nối 2 bản cũ được đầu tư nâng cấp với tổng trị giá trên 300 triệu đồng và nhà văn hóa bản được xây mới, trị giá 1,8 tỷ đồng. Vừa qua, bản tiếp tục huy động nhân dân đóng góp tiền, ngày công lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, xây dựng tuyến đường hoa vào bản khang trang; giao thông thuận tiện.

Nhà văn hóa bản Thẳm Mạy, phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La, được đầu tư xây dựng sau sáp nhập.

Ông Quàng Văn Quý, bản Chộ Muông, phấn khởi: Khi triển khai sáp nhập bản, tôi nghĩ bản nhỏ sẽ thiệt thòi, nhưng giờ thì tôi thấy chủ trương này rất đúng. Trước đây, bản có khoảng 60 hộ, tổ chức hoạt động gì cũng khó thành công vì không đủ nguồn lực kinh tế, không tạo được phong trào. Còn nay, việc huy động đóng góp ngày công, kinh phí để thực hiện các công trình phúc lợi rất thuận lợi, như nhà văn hóa bản khang trang, vừa hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tôi nghĩ, đây chính là một trong những lợi ích rất thiết thực cho địa phương và nhân dân từ việc sáp nhập bản.

Cùng với việc tăng quy mô dân số, sáp nhập bản còn tạo điều kiện cho các chi bộ đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Chi bộ bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu sáp nhập từ 2 chi bộ bản Pá Sa và bản Pha Cúng. Trước sáp nhập, mỗi chi bộ trung bình có hơn 10 đảng viên, sau sáp nhập, số lượng đảng viên tăng lên 25 đảng viên. “Thêm người là thêm sức mạnh”, ông Lữ Văn Tuyên, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Pha Cúng khẳng định. Để cụ thể hóa cho “sức mạnh” của chi bộ mới, đồng chí Bí thư chi bộ nêu một loạt dẫn chứng. Mặc dù chi bộ đông người, nhưng nền nếp sinh hoạt đảm bảo. Đảng viên đông thì “sự lan tỏa” trong việc nắm bắt chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, đặc biệt là các định hướng phát triển kinh tế đến nhân dân càng sâu rộng.

Có thể thấy, việc tăng quy mô các bản, tiểu khu, tạo nguồn lực và nền tảng tốt để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, giúp kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở bản đông hơn về số lượng, tốt hơn về chất lượng.

Tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy

Sau khi có Nghị quyết HĐND tỉnh về sáp nhập, UBND cấp huyện, cấp xã đã chỉ đạo các bản kịp thời kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở bản; người trực tiếp tham gia hoạt động của bản và các tổ chức ở bản theo quy định. Việc bố trí, sắp xếp người hoạt động không chuyên trách gắn với việc kiện toàn, sắp xếp lại chi bộ, ban công tác mặt trận, các tổ chức ở bản; tăng cường bố trí kiêm nhiệm một số chức danh nhằm giảm số lượng, phù hợp với trình độ, năng lực, điều kiện thực tiễn tại cơ sở. Đến thời điểm hiện tại, các bản hoàn thành xong việc kiện toàn các chức danh người hoạt động không chuyên trách; các chức danh tham gia công việc của bản và các tổ chức ở bản theo quy định.

UBND xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.

Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập bản, các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở bản, các chức danh như phó bí thư chi bộ, chi ủy viên, phó trưởng bản, công an viên, bản đội trưởng và các chức danh khác được kiện toàn và hoạt động ổn định, góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cộng đồng dân cư, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, xã hội ở địa phương.

Qua 6 đợt sáp nhập (từ năm 2019-2023), các địa phương đã sáp nhập 1.997 bản thành 920 bản, giảm 1.077 bản. Hiện nay, toàn tỉnh còn 2.247 bản. Việc giảm 1.077 bản, tương ứng giảm khoảng 106 tỷ đồng/năm chi cho hoạt động chung của bản, trong đó, kinh phí chi trả phụ cấp và khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị xã hội ở bản giảm 62 tỷ đồng/năm.

Cùng với đó, sau sáp nhập bản, toàn tỉnh giảm 5.385 chi hội, gần 10.000 người hoạt động không chuyên trách và người hưởng mức hỗ trợ. UBND tỉnh chỉ đạo các sở: Nội vụ, Tài chính, UBND các huyện, thành phố giải quyết đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở bản; người trực tiếp tham gia hoạt động của bản, tiểu khu khi không tiếp tục tham gia công tác do sắp xếp, sáp nhập bản. Đến nay, UBND các huyện, thành phố giải quyết chế độ, chính sách đối với 9.971 người hoạt động không chuyên trách ở bản, người trực tiếp tham gia hoạt động của bản, tổng kinh phí gần 12,9 tỷ đồng.

Tạo đà sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Với sự nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhiệm vụ sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu trên địa bàn tỉnh bảo đảm tiến độ. Sau sáp nhập, hoạt động của chính quyền cấp xã ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Khí thế  thực hiện các phong trào thi đua ở các địa phương sôi nổi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Kết quả việc sáp nhập, sắp xếp lại bản sẽ là kinh nghiệm tốt cho tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện hiệu quả việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thời gian tới.

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh Sơn La phải hoàn thành việc sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, gồm 3 thị trấn các huyện: Phù Yên, Thuận Châu, Yên Châu. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương khuyến khích sắp xếp, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

Tập trung sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích của xã Nà Nghịu; thành lập thị trấn Quỳnh Nhai, huyện Quỳnh Nhai, trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số xã Mường Giàng; thành lập thị xã Mộc Châu trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số huyện Mộc Châu. Thành công của việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương sắp xếp, sáp nhập bản còn tạo cơ sở, tiền đề, niềm tin để tỉnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Nhân dân bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, phát triển cây cà phê.

Đồng chí Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Mặc dù còn một số tồn tại, khó khăn, nhưng thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong sáp nhập; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh, vướng mắc của nhân dân. Rà soát, xây dựng phương án và lập hồ sơ sáp nhập bản các đợt tiếp theo trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tham mưu cơ chế, chính sách điều chỉnh hợp lý về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục hành chính, chế độ, chính sách thuận lợi nhất cho nhân dân, tổ chức sau khi sáp nhập bản, tiểu khu.

Từ chủ trương lớn của Đảng, tới sự hợp sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, việc sắp xếp, sáp nhập bản, tiểu khu giai đoạn 2018-2023 của tỉnh đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Điều quan trọng là đã mở ra không gian phát triển mới - ổn định, bền vững. (Hết)

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới