Hòa giải ở cơ sở - nhịp cầu đoàn kết, yêu thương

Giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững… là những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.

 Sở Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho hòa giải viên cơ sở.

Những năm qua, các vụ việc hòa giải trên địa bàn chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất, hôn nhân và gia đình, những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày đã được các thành viên tổ hòa giải ở các bản, tiểu khu, tổ dân phố phối hợp với đơn vị liên quan phân tích hợp tình, hợp lý, giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, góp phần hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp. 

Do điều kiện kinh tế khó khăn nên vợ chồng anh Tòng Văn Đ. và chị Cà Thị C., xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, thường xuyên xảy ra xích mích. Nắm được tình hình, các thành viên tổ hòa giải của bản đã đến khuyên giải, động viên. Anh Đ. chia sẻ: Sau khi tổ hòa giải đến nói chuyện và chỉ ra những điều phải, trái, vợ chồng tôi đã cùng nhau sửa đổi, chia sẻ với nhau nhiều hơn, từ đó hiểu nhau hơn. Bây giờ, vợ chồng hòa thuận, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo việc học cho các con.

Anh Tòng Văn Đăm, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Hiện nay, xã có 10 tổ hòa giải, với 64 hòa giải viên. Hằng năm, các hòa giải viên đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do tỉnh, huyện tổ chức. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải viên trực tiếp gặp gỡ tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe ý kiến của các bên rồi họp bàn và đưa ra giải pháp xử lý hợp lý. Các vụ việc được giải quyết, tăng thêm "tình làng, nghĩa xóm". Năm 2023, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tiếp nhận hòa giải 3 vụ việc, 100% số vụ việc được hòa giải thành công, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.  

Thành viên tổ hòa giải cơ sở bản Lè, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu trao đổi về PBGDPL.

Còn huyện Thuận Châu duy trì hiệu quả hoạt động của 391 tổ hòa giải, 2.348 hòa giải viên. Năm 2023, các tổ đã tiếp nhận 297 vụ việc, trong đó, hòa giải thành công 219 vụ việc. Ông Lò Văn Quý, Bí thư chi bộ, Trưởng bản, Tổ trưởng tổ hòa giải cơ sở bản Lè, xã Tông Cọ, chia sẻ: Tổ có 9 thành viên, gồm đại diện Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể, công an viên và bản đội trưởng. Các thành viên tích cực tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Bình đẳng giới... cho nhân dân thông qua các buổi sinh hoạt, họp bản. Từ đó, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân được nâng lên. Nhiều năm nay, bản không xảy ra vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp, không có tình trạng đơn thư, tố cáo, khiếu nại.

Bà Lò Châu Thỏa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở, Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật và chính sách đối với công tác hòa giải ở cơ sở; phạm vi hòa giải ở cơ sở, tiêu chuẩn hòa giải viên. Công tác hòa giải trên địa bàn đã được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện đồng bộ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở được ban hành đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Thành viên tổ hòa giải bản Púm, xã Pá Ma Pha Khinh, huyện Quỳnh Nhai tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân.

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.291 tổ hòa giải, 14.234 hòa giải viên. Đội ngũ hòa giải viên hầu hết là những người am hiểu về pháp luật, có khả năng vận động thuyết phục cao, được nhân dân tín nhiệm, như: Mặt trận Tổ quốc, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, trưởng bản, bí thư chi bộ, già làng và người có uy tín trong cộng đồng. Năm 2023, các tổ đã tiếp nhận 2.223 việc, hoà giải thành công 1.907 việc, đạt 86%. Mỗi vụ việc xảy ra ở cơ sở khi được hòa giải đã góp phần tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của chính quyền địa phương.

Theo các hòa giải viên, công tác hòa giải dựa vào sự thuyết phục trên cơ sở quy định của pháp luật, phong tục, truyền thống; nêu gương để tư vấn, hỗ trợ, hướng họ giải quyết vấn đề qua phương diện tình cảm, chứ không đưa ra một phán quyết áp đặt. Đây là yếu tố quan trọng nhất cho công tác hòa giải cơ sở thành công. Khi tiếp nhận vụ việc, các thành viên tổ hòa giải trực tiếp về cơ sở tìm hiểu, xác minh nội dung, nguyên nhân phát sinh; nghe nhận định của những người xung quanh để có thêm cơ sở và đưa ra hướng giải quyết. Những vướng mắc, bà con còn chưa hiểu rõ tổ cũng kiến nghị lên xã để cử cán bộ về dự cùng và giải đáp. Do đó, các đơn, thư kiến nghị, phản ánh đều được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng đơn thư vượt cấp.

Công an xã Mường Sai, huyện Sông Mã, tuyên truyền Luật Cư trú cho nhân dân.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác hòa giải được duy trì thường xuyên. Hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh kiểm tra trực tiếp tại các huyện, thành phố về hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; kiện toàn tổ hòa giải; bầu, công nhận hòa giải viên. Nhờ đó, hoạt động hòa giải ở cơ sở từng bước được nâng cao về chất lượng, tổ chức, hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật. 

Sự tâm huyết và lòng nhiệt tình, những hòa giải viên cơ sở đã trở thành nhịp cầu, sợi dây gắn kết tình đoàn kết, yêu thương con người để mỗi nhà thực sự là một mái ấm, mỗi cụm dân cư là một khối đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới