Đổi thay từ chủ trương đúng

Mỗi địa phương, đơn vị có cách làm hay, mô hình mới đầy tâm huyết huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đem lại hiệu quả cho xã hội rất lớn. Ở Mai Sơn, 12 chủ trương lớn mang tính đột phá của Ban Thường vụ huyện ủy sau một năm thực hiện đã cho thấy cách làm bài bản, sáng tạo, trách nhiệm của những người đứng đầu, sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân đã tạo những bước chuyển, làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện.

Với 12 chủ trương mang tính đột phá, như: Doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc về đất đai, giải phóng mặt bằng và một số dự án trọng điểm; mỗi bản, tiểu khu một cổng bản, một sân vận động, một đội bóng, một đội văn nghệ... Giao trách nhiệm mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách 1 chủ trương; quán triệt, triển khai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, ý nghĩa, mục tiêu và cách làm, tổ chức thực hiện từng chủ trương, tạo sự đồng thuận, khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên của nhân dân.

Về xã Chiềng Mai những ngày này, dễ nhận thấy sự đổi thay của xã với nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng, nối dài tới các ngõ bản trong niềm phấn khởi của nhân dân. Ông Tòng Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ xã Chiềng Mai phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2024. Đảng ủy xã đã chỉ đạo thành lập các tổ công tác về các bản rà soát từng tuyến đường; xác định rõ hiện trạng, việc lấn chiếm... Trên cơ sở đó, tổ chức, họp bàn, thống nhất đối với từng bản, tập trung xác định làm từng tuyến đường liên bản, nội bản, nội đồng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải thích và phát động phong trào hiến đất làm đường tới toàn thể nhân dân. Năm 2022, xã đã huy động nguồn xã hội hóa trên 200 triệu đồng xây dựng công trình “Ánh sáng đường quê” gắn với tuyến đường “sáng - xanh - sạch - đẹp” tại các bản dài trên 4 km; vận động nhân dân hiến đất, tài sản trên đất, dịch rào mở rộng 17 km đường giao thông trục xã, đường liên bản, nội bản.

Vận động nhân dân hiến đất, mở đường tại xã Chiềng Mai.

Còn tại xã Chiềng Chung, xã đã huy động nhân dân ra quân giải phóng mặt bằng, mở rộng 8 tuyến đường với tổng chiều dài gần 14,7 km. Các hộ dân đã góp gần 1.100 công lao động, hiến gần 35.000 m² đất, cây cối và hoa màu trên đất để mở rộng đường; 100% hộ gia đình ký cam kết thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình gắn với thực hiện “3 sạch”- “sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ; trồng mới 7,5 ha rừng và 3.600 cây phân tán dọc tuyến đường vào xã; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%...

Trao đổi về vấn đề này, ông Cầm Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Chung, cho rằng: Cách phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, cán bộ, đảng viên tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, né tránh nhiệm vụ. Đảng ủy xã đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy, rà soát tìm nguyên nhân dẫn đến nghèo, cận nghèo, đề xuất giải pháp để các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo cho phù hợp với từng bản. Lựa chọn những người làm kinh tế khá, giỏi trong bản đề nghị hỗ trợ về phương pháp sản xuất, chăn nuôi cho hộ nghèo của chính bản đó. Mỗi chi bộ phân công 3 đảng viên giúp đỡ 1 hộ nghèo để thoát nghèo.

Sau 1 năm triển khai thực hiện 12 chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân đồng lòng, chung sức thực hiện, tạo nên “làn gió mới" làm thay đổi những tập quán lạc hậu trong đời sống và sản xuất, biết khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống.

Tiêu biểu như chủ trương chung tay cùng cấp ủy, chính quyền giúp đỡ các xã vùng III vươn lên thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, đã triển khai 2 mô hình liên kết, bao tiêu cây sắn và cây mía; xóa được 79 nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn 10 xã đặc biệt khó khăn; chủ trương hiến đất mở rộng đường nông thôn đã triển khai tại 100% các xã với tổng số 108 tuyến, chiều dài trên 122 km; chủ trương trồng cỏ hàng hóa, phát triển đại gia súc, đã phát triển thêm gần 2.000 con bò lai các loại, nâng tổng số đàn trâu, bò lên 42.700 con; vận động 465 hộ chuyển đổi từ chăn thả rông sang nuôi nhốt; trên 1.300 hộ đã đầu tư kinh phí tu sửa chuồng trại; trồng mới 225 ha cỏ...

Vùng trồng cây ăn quả huyện Mai Sơn.

Đồng chí Nguyễn Việt Cường, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn, cho biết: Quyết tâm của Ban Thường vụ Huyện ủy Mai Sơn là những chủ trương lớn này sẽ có tác động sâu rộng tới đời sống xã hội, phương thức sinh hoạt, lao động sản xuất. Trong năm 2023, Huyện ủy tiếp tục phát huy vai trò của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong mọi công việc; khắc phục khó khăn, nỗ lực, quyết tâm thực hiện bằng được các mục tiêu đặt ra.

Những đổi mới trong phương thức lãnh đạo, khẳng định và phát huy vai trò của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, huyện Mai Sơn đã và đang tạo ra bước đột phá trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần xây dựng huyện Mai Sơn phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới