Một thời hoa lửa

70 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tá Nguyễn Văn Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu 2, hiện đang sinh sống ở tiểu khu Bệnh viện, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, vẫn nhớ ký ức một thời hoa lửa cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giọng nữ
Chiếc mũ sắt kỷ vật của Đại tá Nguyễn Văn Cường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm nay đã bước sang tuổi 94, không còn nhanh nhẹn, nhưng khi nhắc về ký ức trong cuộc đời quân ngũ của mình, giọng ông Cường vẫn đầy tự hào: Tôi sinh ra tại xã Bình Dân, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương). Ngày bé, được gia đình cho ăn học, lớn lên tôi đã tích cực tham gia phong trào thanh niên tại địa phương. Năm 1950, khi tròn 20 tuổi, tôi cùng 100 thanh niên trong xã lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc. Sau thời gian huấn luyện, năm 1952, đơn vị tham gia giải phóng huyện Mộc Châu; sau đó tiếp tục hành quân lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nâng niu trên tay những kỷ vật đời quân ngũ, ông chọn chiếc mũ sắt gắn bó với ông suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ, giới thiệu với chúng tôi: Ngày đó, tôi làm trợ lý kế hoạch, Phòng Hậu cần, có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đảm bảo quân trang, quân lương, vũ khí, bảo đảm đầy đủ cho bộ đội ta đánh địch. Chiếc mũ sắt này luôn bên tôi trong cả chặng đường.

Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm sâu sắc nhất trong những tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Cường trầm ngâm một lát, rồi xúc động nói: Đồi A1 là trận địa khốc liệt nhất, mỗi mét hào, mỗi bước tiến trên Đồi A1 đều phải đánh đổi bằng xương máu của đồng đội tôi. Để giải quyết cứ điểm phòng ngự này, ta đã “moi ruột” quả đồi, đặt quả bộc phá 1 tấn. Vào 20 giờ ngày 6/5/1954, khi tiếng nổ của bộc phá vang lên cũng là lúc tiếng hô xung phong bật dậy từ trong lòng đất. Cứ điểm phòng ngự kiên cố bậc nhất của quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã bị quân ta đánh sập. Từ đây, đã xé toang cứ điểm Điện Biên Phủ; quân ta giành chiến thắng.

Sau khi giải phóng Điện Biên Phủ, đơn vị của ông quay trở lại Mộc Châu; năm 1958, đơn vị trở lại Điện Biên Phủ để xây dựng Nông trường Điện Biên; năm 1965, đơn vị lại di chuyển về Mộc Châu. Sau đó, ông tham gia quân tình nguyện chiến đấu tại cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, nước CHDCND Lào và bị thương. Năm 1979, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rồi về công tác tại Quân khu 2, đến năm 1990, được nghỉ chế độ với quân hàm Đại tá, thương binh hạng 4/4.

Cả cuộc đời gắn bó với quân ngũ, ông từng giữ nhiều chức vụ, như: Trưởng phòng Hành chính, kế hoạch kinh tế; Trưởng phòng Quân nhu của Sư đoàn 316 và Quân khu 2; Phó Cục trưởng Cục Hậu cần, Quân khu 2. Với những đóng góp trong quân đội, ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba; huy hiệu Đảng 75 năm; Huân chương của nước CHDCND Lào, cùng nhiều huân chương và phần thưởng cao quý khác.

Chia tay Đại tá Nguyễn Văn Cường, chúng tôi càng trân trọng, biết ơn những đóng góp, hy sinh to lớn của thế hệ ông cha đi trước, để chúng ta có cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Những cống hiến, hy sinh đó là động lực để thế hệ trẻ noi theo, ra sức học tập, cống hiến xứng đáng với truyền thống của cha ông, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.

(Ghi theo lời kể của nhân vật)

Bài, ảnh: Tùng Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới