Xây dựng các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả

Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh Sơn La tập trung phát triển, xây dựng các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tập quán sản xuất cũ.

Sản phẩm cà phê của HTX Aratay Coffee được trưng bày tại nhiều sự kiện lớn của tỉnh.

 “Bà đỡ” của nông dân

Sau hơn 5 năm thành lập, HTX Aratay Coffee, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn hiện có 14 thành viên, duy trì sản xuất 200 ha cà phê đặc sản, đồng thời liên kết với hàng trăm hộ vệ tinh, với diện tích sản xuất 300 ha. Phát huy tốt vai trò “bà đỡ”, HTX đã giúp các thành viên, các hộ dân liên kết nâng cao thu nhập.

Nói về yếu tố tạo nên thành công, chị Cầm Thị Mòn, Giám đốc HTX, cho biết: Để sản xuất các sản phẩm cà phê chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường, được khách hàng tin tưởng, HTX kiểm soát nghiêm quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch. Hiện nay, toàn bộ diện tích cà phê nguyên liệu của các thành viên HTX và các hộ vệ tinh trên địa bàn xã Mường Chanh và Chiềng Chung được sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo sạch, an toàn, giữ vững vùng nguyên liệu phục vụ chế biến cà phê đặc sản. Khi thu hoạch,  thành viên và các hộ vệ tinh lựa chọn kỹ lưỡng quả cà phê chín đỏ, đủ độ đường, bảo đảm không lẫn quả xanh. Trung bình hằng năm, HTX chế biến, cung ứng ra thị trường 8-10 tấn cà phê đặc sản, doanh thu bình quân đạt 1,5-1,6 tỷ đồng.

Toàn tỉnh đang có 868 HTX nông nghiệp, với khoảng 10.000 thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân. Các HTX nông nghiệp phát huy vai trò trong tập hợp, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Có nhiều sản phẩm nông sản đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP. Một số sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, nhiều sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Đổi mới tư duy sản xuất

Thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới, điều dễ nhận thấy nhất, là các HTX đã thay thế tư duy sản xuất cũ bằng tư duy sản xuất mới, sản xuất, kinh doanh phải gắn với thị trường, liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm tiêu biểu của HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, huyện Thuận Châu.

HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, là một trong những HTX điển hình trên địa bàn huyện trong việc thay đổi tư duy sản xuất của nông dân. Chị Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, cho biết: Cây chè gắn bó với người dân từ lâu, nhưng bà con sản xuất hoàn toàn thủ công nên năng suất thấp. Có thời điểm, chè Phổng Lái rơi vào khủng hoảng, năng suất, chất lượng, giá thành giảm sút, nhiều nông dân từng nghĩ phá bỏ cây chè, trồng các loại cây khác.

Mong muốn xây dựng thương hiệu chè Phổng Lái, năm 2013, chị Bình đã liên kết thành lập HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận. Mục tiêu đặt ra làm thay đổi tư duy sản xuất, HTX vận động nông dân xây dựng vùng nguyên liệu chè sạch quy mô 500 ha và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Đến năm 2019, HTX được cấp Giấy chứng nhận VietGAP và giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thành công thương hiệu chè Trọng Nguyên - Phổng Lái, Thuận Châu.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, HTX bao tiêu khoảng 2.500-3.000 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500-700 tấn chè khô xuất ra thị trường. Không chỉ vậy, HTX liên kết với 500 hộ nông dân các xã: Phổng Lái, Chiềng Pha, Mường É, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng. Tham gia liên kết sản xuất, 100% các hộ dân được trang bị kiến thức về bảo vệ môi trường, kiến thức về sử dụng phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu theo nguyên tắc “4 đúng”.

Trên địa bàn tỉnh, các HTX nông nghiệp với tư duy sản xuất mới đã và đang phát triển nhanh về cả lượng và chất với nhiều mô hình, cách làm hay, hiệu quả cao..., góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn và hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Gỡ rào cản để sản xuất nông nghiệp bền vững

Số lượng HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh; các HTX nông nghiệp cơ bản đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, kết quả phân loại và đánh giá HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hằng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ HTX nông nghiệp của tỉnh Sơn La xếp loại yếu vẫn ở mức cao; có 128 HTX đang ngừng hoạt động

Thành viên HTX Dâu tây Xuân Quế, huyện Mai Sơn trao đổi kinh nghiệm chăm sóc dâu tây.

Bên cạnh đó, thực hiện Luật HTX 2012, đa số HTX còn khó khăn về nguồn lực tài chính, tiếp cận đất đai, việc lưu giữ hồ sơ theo Luật HTX và triển khai hợp đồng liên kết bền vững với các thành viên chưa đảm bảo quy định. Đa số các HTX chưa có trụ sở làm việc, không có nhà xưởng, kho chứa bảo quản, sơ chế nông sản sau thu hoạch gây tổn thất, chất lượng nông sản giảm... Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ; các vấn đề liên quan đến tuân thủ hợp đồng liên kết - tiêu thụ chưa thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc rà soát, thực hiện giải thể bắt buộc đối với các HTX không còn hoạt động, ngừng hoạt động từ lâu, tồn tại hình thức... chưa quyết liệt.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, nhấn mạnh: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, tỉnh Sơn La tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể tỉnh thành lập tổ công tác về hỗ trợ kinh tế tập thể tại cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, tạo động lực HTX nông nghiệp phát triển, tỉnh chỉ đạo thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX theo Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND ngày 28/2/2020 của HĐND tỉnh. Năm 2023, đã hỗ trợ 39 HTX đánh giá, chứng nhận VietGAP; in bao bì, nhãn mác; truy xuất nguồn gốc, với tổng kinh phí trên 3,3 tỷ đồng.

HTX Nông nghiệp Toản Duyên, huyện Sốp Cộp liên kết, bao tiêu sản phẩm dứa cho các hộ thành viên.

Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; tập huấn về thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế, kênh mạng xã hội và tìm kiếm đối tác tại các thị trường nước ngoài; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho giám đốc các HTX nông nghiệp. Vận động thành lập mới HTX nông nghiệp ở các địa bàn, lĩnh vực nông nghiệp mà các sản phẩm chủ lực còn ít hoặc chưa có HTX; phát triển quy mô thành viên trong các HTX, bảo đảm các địa bàn sản xuất nông nghiệp đều có hộ nông dân tham gia HTX.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nguồn lực hỗ trợ các HTX phát triển... được kỳ vọng giúp tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025, nâng tỷ lệ HTX đạt tiêu chuẩn khá, giỏi từ 35% trở lên, giảm số HTX yếu kém xuống dưới 10%; số HTX làm ăn ổn định, có lãi từ 85-90%; doanh thu bình quân HTX đạt 2,6 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của một thành viên HTX 60 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới