Vân Hồ đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ

Năm 2013, huyện Vân Hồ được thành lập trên cơ sở tách 14 xã của huyện Mộc Châu, với khoảng 2.000 hộ và xã Vân Hồ trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, chính trị của huyện. Xã Vân Hồ, đã vận động nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh phát triển kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các mặt hàng kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân sở tại và khách du lịch, đưa kinh doanh dịch vụ trở thành một trong những thế mạnh để phát triển.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại cửa hàng tạp hóa xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ.

Hiện nay, xã có trên 100 hộ phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại có giấy phép kinh doanh, với đa dạng các lĩnh vực, gồm: Dịch vụ ăn uống; nhà nghỉ lưu trú; thu mua chế biến nông sản; sửa chữa máy móc nông nghiệp, ô tô, xe máy; cửa hàng tạp hóa, tiêu dùng... Bên cạnh đó, một số hộ kinh doanh trong xã còn làm đầu mối, đại lý cung cấp hàng hóa cho các xã; một số hộ đã mở rộng kinh doanh với quy mô lớn, tạo việc làm thường xuyên và việc làm thời vụ cho hàng trăm lao động địa phương. UBND xã đã phối hợp với cơ quan quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các chủ cửa hàng kinh doanh không lấn chiếm hành lang giao thông làm nơi kinh doanh, gây mất an toàn giao thông.

Bà Mùi Thị Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hồ, cho biết: Cùng với phát triển nông nghiệp an toàn, xã xác định phát triển kinh doanh dịch vụ, thương mại là chủ lực, góp phần giúp địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, xã đã tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ dân mở rộng quy mô, phát triển kinh doanh, dịch vụ thông qua việc hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính đăng ký kinh doanh; thuận lợi trong việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô kinh doanh...

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch phục hồi tích cực, số lượng khách du lịch đến với tỉnh Sơn La nói chung và Khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói riêng đã tăng trở lại. Điều này đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh dịch vụ của xã Vân Hồ. Xã đã vận động các hộ kinh doanh ven quốc lộ 6 tăng cường bày bán, giới thiệu các mặt hàng nông sản chất lượng cao và đặc sản địa phương, như: Khoai sọ; táo sơn tra; chè Shan tuyết; các loại rau xanh....

Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng tạp hóa phục vụ người tiêu dùng trong xã và một số xã trong huyện, xã Vân Hồ còn khuyến khích các hộ dân đầu tư, mở rộng sang hướng kinh doanh khác, như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng; mở cơ sở sơ chế nông sản, với mong muốn hỗ trợ người dân trong khu vực bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi, cũng như nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có 2 cơ sở chế biến nông sản, công suất khoảng 500 tấn/năm.

Cửa hàng tạp hóa Bích Quân, bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, bày bán đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Chị Đinh Thị Bích, chủ cửa hàng, chia sẻ: Gia đình tôi không chỉ cung cấp hàng hóa cho người dân xã Vân Hồ, mà còn cung cấp cho một số cửa hàng ở các xã vùng hạ huyện với số lượng lớn. Để kinh doanh hiệu quả, gia đình tôi luôn bảo đảm sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt và bán đúng giá. Qua đó tạo được uy tín, nên lượng khách hàng đến mua sắm ngày càng tăng, doanh thu bình quân đạt 200-250 triệu đồng/năm. Cuối năm nhu cầu của khách hàng cao hơn, gia đình tôi đã tính toán lượng hàng bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và không tăng giá trong thời gian này.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh doanh dịch vụ là hướng đi thích hợp ở xã Vân Hồ, vừa nâng cao thu nhập cho người dân, vừa góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của địa phương, thu hút du lịch và hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới