Mở rộng các vùng chuyên canh trồng hoa công nghệ cao

Nghề trồng hoa khởi đầu từ những năm 2000 ở một số địa phương trong tỉnh, ban đầu chủ yếu là những cơ sở trồng hoa nhỏ lẻ. Nhận thấy tiềm năng về đất đai, lao động và nhất là thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề trồng hoa theo hướng liên kết sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

Vườn trồng hoa hồng tại bản Tông, xã Chiềng Xôm, Thành phố.

Mộc Châu là một trong những địa phương có diện tích trồng hoa lớn nhất tỉnh, huyện đang có 1 doanh nghiệp trồng hoa ứng dụng công nghệ cao và khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông, lâm nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ trồng lan hồ điệp trong nhà lưới, với tổng diện tích trên 50 ha hoa các loại.

Năm 2005, Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã mạnh dạn đầu tư hơn 7 tỷ đồng trồng 5 ha hoa ly ứng dụng công nghệ cao, cây giống được nhập khẩu từ Hà Lan. Đến nay, Công ty đã mở rộng quy mô diện tích sản xuất và trồng thêm các loại hoa lan hồ điệp, hoa tuy líp cung cấp cho thị trường khu vực toàn miền Bắc. Bà Nguyễn Thúy Hà, Phó Giám đốc Công ty, chia sẻ: Với khí hậu mát mẻ, tài nguyên đất dồi dào, Mộc Châu có nhiều tiềm năng phát triển trồng hoa hàng hóa. Hiện nay, Công ty có 2 ha nhà kính trồng hoa lan và 8 ha nhà lưới trồng hoa ly, hoa tuy líp. Hằng năm, Công ty sản xuất khoảng 300.000 cây lan và 1 triệu hoa ly, sử dụng 100% cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu; doanh thu đạt trên 220 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động địa phương, với mức thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với huyện Mộc Châu, nghề trồng hoa ở thành phố Sơn La cũng phát triển mạnh. Ban đầu chỉ là một số hộ trồng hoa nhỏ lẻ tại xã Chiềng Xôm; đến nay Thành phố có hơn 56 ha chủ yếu trồng hoa hồng tại phường Chiềng An và các xã Chiềng Xôm, Chiềng Đen, Hua La...

Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm, cho biết: Năm 2002, từ mô hình trồng hoa hồng đầu tiên được triển khai trên địa bàn. Đến nay, xã mở rộng hơn 43 ha trồng hoa hồng, hoa cúc và thành lập 1 HTX sản xuất tập trung, liên kết tiêu thụ sản phẩm đi các tỉnh miền Bắc. Trung bình mỗi ha trồng hoa đem lại doanh thu từ 1-1,2 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đạt khoảng 350-400 triệu đồng/năm. So với trồng lúa, trồng hoa đem lại thu nhập và giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần. Nghề trồng hoa đòi hỏi lực lượng lao động lớn, mỗi năm nghề trồng hoa đã tạo việc làm cho trên 100 lao động, chủ yếu là phụ nữ tại địa phương.

Công ty cổ phần Hoa Nhiệt đới, bản Búa, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu trồng lan hồ điệp trong nhà kính.

Anh Đỗ Xuân Công, thành viên HTX Hà Huy Thưởng, xã Chiềng Xôm, chia sẻ: Gia đình tôi trồng 4 ha hoa hồng và hoa cúc, sản lượng khoảng 500 vạn bông, sau khi trừ chi phí, thu nhập 400 triệu/năm và tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu/người/tháng. Hiện nay, gia đình đang đẩy mạnh liên kết, tiêu thụ qua các thành viên HTX và dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, đa dạng hóa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn với du lịch, tỉnh ta đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các vùng chuyên canh trồng hoa lớn, ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố, huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Mường La. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 350 ha trồng hoa các loại, sản lượng hơn 122 triệu cành; trong đó, diện tích trồng hoa ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, nhà kính chiếm hơn 10%, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới