Giá cả ổn định, sức mua không tăng đột biến

Bộ Tài chính cho biết, lượng hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Các loại trái cây bày bán trong dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: TTXVN)
Các loại trái cây bày bán trong dịp Tết Nguyên đán 2023. (Ảnh: TTXVN)

Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về tình hình giá cả thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, trên cơ sở báo cáo của một số Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và qua theo dõi tình hình thị trường của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Bộ Tài chính cho biết tình hình cung cầu thị trường ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm Nhâm Dần diễn ra bình thường, không có diễn biến bất thường về giá, lượng người dân mua sắm cơ bản ổn định, không nhiều vì đây ngày thứ hai được nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán nên người dân đi mua sắm chuẩn bị cuối năm cũng đã ít hơn so với ngày đầu nghỉ Tết. Hoạt động mua sắm của người dân chủ yếu là ở một số mặt hàng phục vụ cúng Giao thừa và sáng mùng 1 như hoa quả tươi, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống.

Do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm được người tiêu dùng lựa chọn do tạo sự yên tâm cho người mua về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu cũng như các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn.

Một số siêu thị có kế hoạch mở cửa xuyên Tết nên sẽ đáp ứng được nguồn hàng cung cấp ra thị trường không bị gián đoạn, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, giảm mạnh hiện tượng đầu cơ tích trữ găm hàng trong dịp Tết tại các tỉnh, thành phố lớn.

Do các hoạt động sản xuất, dự trữ nguồn hàng phục vụ Tết đã được triển khai chủ động trước Tết, lượng hàng hóa dồi dào, chủng loại đa dạng, hình thức mẫu mã đẹp, hàng hóa được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân.

Về cơ bản, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tương đối ổn định, một số mặt hàng tăng giá nhẹ tập trung ở các mặt hàng phục vụ nhu cầu thờ cúng và tiêu dùng trong dịp Tết như rau củ quả, trái cây, một số mặt hàng thủy hải sản...

Về diễn biến tại một số địa phương, Bộ Tài chính cho biết tại Hà Nội, sức mua giảm so với 29 Tết. Giá gạo và thịt tăng nhẹ. Giá bia, nước ngọt ổn định. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đa dạng, lượng người mua vẫn đông đúc, tấp nập như ngày 29 Tết. Giá một số mặt hàng rau củ quả tăng nhẹ.

Tại TP Hồ Chí Minh ngày 30 Tết, lượt khách đến các chợ tập trung vào buổi sáng tăng so với ngày trước, chủ yếu mua hoa, trái cây và giảm 20% so cùng kỳ năm trước. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng về chợ đã giảm hẳn so ngày trước do nhiều tiểu thương đã ngưng kinh doanh nghỉ Tết; giá các mặt hàng thịt gia cầm tương đối ổn định, riêng mặt hàng thủy hải sản tăng do việc ngừng đánh bắt, trong khi giá các mặt hàng rau củ, trái cây đa số giảm do tiểu thương giảm giá để giải phóng hàng tồn.

Tại các chợ lẻ, do lượng hàng hóa tham gia thị trường của các đơn vị bình ổn khá dồi dào, cùng với các chương trình giảm giá được thực hiện đồng loạt từ 25 âm lịch nên giá một số mặt hàng thực phẩm như thịt gia cầm, trứng gia cầm, gạo, đường, các mặt hàng phục vụ Tết (bia, nước ngọt, bánh mứt) ổn định; các mặt hàng còn lại tăng nhưng mức tăng không đáng kể.

Tại Đà Nẵng, thị trường Tết hôm nay diễn biến sôi động và nhộn nhịp nhất do sức mua của người tiêu dùng lúc này tăng cao. Biến động mạnh nhất ở các mặt hàng trái cây và hoa cúng. Các mặt hàng khác nhìn chung khá ổn định và biến động nhẹ so với ngày hôm qua. Các siêu thị, chợ, hộ kinh doanh đẩy mạnh cung ứng hàng hóa ra thị trường nên bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, chủng loại đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân.

 

Riêng công tác quản lý giá dịch vụ vận tải, Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai phục vụ vận tải trong dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, trong đó Sở Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách, các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định triển khai nghiêm chỉnh chấp hành quy định về kê khai giá, niêm yết đúng giá cước và bán đúng giá kê khai; công khai niêm yết giá vé cụ thể từng tuyến tại quầy vé của đơn vị, nghiêm cấm bán vé không đúng với giá vé đơn vị đã kê khai với các cơ quan quản lý về giá; thường xuyên phát trên loa thông báo cho hành khách đi xe được biết Kế hoạch phục vụ Tết của bến xe, giá vé bán trên các tuyến của các đơn vị vận tải đăng ký và niêm yết giá vé bán tại bến xe để hành khách được biết.

Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng Giao Thanh tra Sở Giao thông vận tải tăng cường phối hợp với các bến xe kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm quy định về đăng ký giá vé và bán vé. Nếu phát hiện những đơn vị vận tải vi phạm, yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm và báo cáo về Sở để làm căn cứ báo cáo UBND thành phố.

Tại Cần Thơ, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ tăng từ 10-15% so với những ngày trước Tết, chủ yếu tăng ở một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như rau củ quả, hàng thực phẩm công nghệ, nguyên nhân do nhu cầu tăng, người dân mua tích trữ phục vụ ngày Tết.

Một số loại có giá tăng cao do nhu cầu lớn như: thịt ba rọi giá từ 130.000-150.000 đồng/ký (tăng 30.000-50.000 đồng/ký), cá đồng 100.000-150.000 đồng/ký (tăng từ 10.000-20.000 đồng/ký). Tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, do đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn với Sở Công Thương nên giá cả các mặt hàng tại siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn ổn định.

Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện ích còn đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nên giá một số mặt hàng thực phẩm công nghệ, rau củ quả, bánh mứt giá được khuyến mại giảm từ 10-20%. Nhu cầu mua sắm của người dân về các giỏ hàng, bia, nước ngọt tăng từ 10%-20%, sức mua tăng từ 5%-10%.

Nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn các thành phố lớn ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng từ trước để phục vụ cho người dân mua sắm dịp Tết, nhờ đó giá cả một số mặt hàng thiết yếu tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Nhìn chung, giá cả hàng hóa trên địa bàn các thành phố lớn ở thời điểm hiện tại tương đối ổn định, không có trường hợp tăng giá bất thường do găm hàng, thiếu nguồn cung.

Dự báo giá cả thị trường ngày 22/1 (mùng 1 Tết), Bộ Tài chính cho biết, đây là ngày đầu tiên của năm mới không có sự biến động bất thường do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm không nhiều, người dân đa phần đã mua sắm, dự trữ đầy đủ trước Tết; đồng thời tại các tỉnh, thành phố lớn một số siêu thị, cửa hàng phục vụ xuyên Tết; đến khoảng trưa ngày mùng 1 một số cửa hàng cũng sẽ dần mở cửa đầu xuân để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ. Dịch vụ trông giữ xe, cửa hàng ăn uống, đồ lễ thắp hương thường tăng theo quy luật hàng năm do nhu cầu đầu năm đi lễ.

Bộ Tài chính kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới