Mở rộng liên kết sản xuất với chế biến nông sản

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, huyện Mai Sơn đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững.

Giọng nữ
Nông dân xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây cà phê.

Hiện nay, Mai Sơn có 11.500 ha cây ăn quả; trong đó, 4.297 ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, tăng 1.297 ha so với năm 2020. Trong đó, diện tích liên kết trong sản xuất hơn 9.860 ha, chiếm 8,5% tổng diện tích đất nông nghiệp của huyện. Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là doanh nghiệp thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu. Công ty đang xây dựng mối liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân trồng mía, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân phát triển vùng nguyên liệu với trên 10.000 hộ của huyện Mai Sơn, Yên Châu, trồng trên 9.000 ha mía, năng suất 65 tấn mía cây/ha. Sản lượng mía bình quân đạt 550.000-650.000 tấn/năm. Hằng năm, Công ty đầu tư 200-220 tỷ đồng cho sản xuất vùng mía nguyên liệu; trong đó, hỗ trợ không hoàn lại khoảng 50 tỷ đồng.

Ông Ngô Doãn Lương, Giám đốc vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Để người dân yên tâm, gắn bó với cây mía, Công ty tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất, sửa chữa nhà ở; đầu tư hàng chục tỷ đồng cung cấp giống, phân bón cho các hộ ký hợp đồng trồng mía; hỗ trợ làm đường vận chuyển mía, tạo niềm tin và sự gắn kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, tỉnh ta có 1.039,5 ha cà phê được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao với, 1.560 hộ tham gia; trong đó, vùng công nhận cho Công ty cổ phần chế biến cà phê Sơn La 368 ha. Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty, cho biết: Mặc dù mới đi vào hoạt động năm 2023, nhưng Công ty rất chú trọng việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất với nông dân. Để đảm bảo vùng nguyên liệu cho nhà máy, Công ty đã liên kết sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao với 684 hộ ở 8 bản của 3 xã Chiềng Ban và Chiềng Chung và Chiềng Dong, huyện Mai Sơn, sản lượng niên vụ 2023-2024 khoảng 6.000 tấn. Đồng thời, phối hợp triển khai liên kết sản xuất cây cà phê trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, khép kín thông qua các HTX.

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với các nhà máy chế biến, đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của huyện Mai Sơn chuyển dịch đúng định hướng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn có bước phát triển cả về chất lượng và số lượng; các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản hoạt động ổn định, giúp nông dân duy trì và phát triển vùng nguyên liệu. Giai đoạn 2021-2023, sản lượng các sản phẩm đường kết tinh đạt 186.531 tấn, tinh bột sắn đạt 194.981 tấn, cà phê nhân đạt 52.072 tấn.

Đến nay, huyện Mai Sơn có 51 doanh nghiệp, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.217,2 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; có 6 công ty chế biến cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân; 5 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Phát huy hiệu quả hoạt động các cơ sở chế biến nông sản, bảo đảm có vùng nguyên liệu tập trung, ổn định lâu dài, gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu, huyện Mai Sơn đang tập trung triển khai các cơ chế, chính sách phù hợp, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, tạo cơ chế thông thoáng thúc đẩy việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới