Gieo mầm ước mơ nơi vùng cao biên giới

Cơn bão số 3 đi qua khiến những con đường đến trường ở xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, vốn đã cheo leo, gập ghềnh lại càng trở nên khó đi hơn. Không quản ngại khó khăn, những giáo viên mầm non nơi đây vẫn âm thầm vượt qua những chặng đường dốc đá, bùn lầy, quyết tâm gieo mầm ước mơ cho trẻ em vùng cao.

Giọng nữ
Điểm trường bản Co Muông.

Sáng sớm tinh mơ, khi cơn mưa rừng vẫn rả rích, cô Vì Thị Hỏa, giáo viên Trường Mầm non Hoa Phong Lan, xã Mường Lạn, dẫn chúng tôi đến thăm điểm trường Co Muông, đây là bản cách trung tâm xã gần chục cây số đường rừng. Mấy hôm trước, mưa bão đã khiến con đường đến bản không còn hình dạng như cũ nữa, thay vào đó là sình lầy, có những đoạn đường biến thành dòng suối; nhiều đoạn bị sạt lở, lồi lõm thành những "ổ trâu" rất nguy hiểm. Không ít lần chúng tôi bị ngã, có những lúc xe máy bị ngập trong bùn không thể di chuyển. Cô Hỏa bảo: Hôm nay còn có thể đi xe máy được đấy, mấy hôm trước trời mưa to hơn, các cô giáo phải đi bộ lên lớp trước để chuẩn bị đón học sinh đến lớp.

Đường đến Co Muông bị sạt lở.

Vừa đi chúng tôi vừa phải cảnh giác những núi bùn đất bên taluy dương có thể sụp xuống bất cứ lúc nào bởi chúng đã “ngậm” no nước mưa. Bên taluy âm cũng vậy, nhiều điểm đã sạt xuống vực để lại những cái bẫy tử thần ở trên đường. Chính những điều đó đã làm chậm hành trình của chúng tôi. Chiếc xe máy tôi mượn được của cô giáo đã được gắn những sợi xích vào lốp để tăng cường ma sát cũng đã dính đầy đất, rất khó di chuyển; có những đoạn, bánh xe quay tít trong bùn mà không thể đi nổi. Mấy người dân đi qua bảo, lên bản mùa này đi xe máy khó lắm, chỉ có đi bộ là thuận tiện nhất.

Xe máy dính đầy bùn đất không thể di chuyển.

Sau 2 giờ, chúng tôi mới đến được Co Muông. Do số lượng trẻ đông với 49 cháu nên điểm trường này có 2 giáo viên phụ trách. Tuy nhiên hôm nay, trẻ không đến đủ vì mưa lớn, đường đến trường bị sạt lở nên phụ huynh không thể đưa con đến lớp. Đã 10 năm gắn bó với núi rừng và các điểm trường vùng cao của Mường Lạn, cũng là ngần ấy thời gian, cô giáo Lò Thị Diên nếm trải những khó khăn đặc thù cùng vùng đất này. Mới sang thu nhưng ở vùng cao này luôn lạnh hơn những nơi khác cả chục độ; số hộ nghèo cao nên trẻ mầm non còn thiếu mặc, ăn chưa đủ chất, nhiều cháu phải đến trường trên đôi chân trần.

Cô giáo Lò Thị Diên chia sẻ: Trước những khăn như vậy, có lúc tôi cũng nản. Nhưng rồi những ánh mắt khát khao được đến lớp của con trẻ  đã khiến tôi không thể dừng lại. Các em cần được học, cần được biết rằng bên ngoài kia có một thế giới rộng lớn hơn, nhiều cơ hội hơn. Mong rằng con đường đến trường của các em được xây dựng để ước mơ của các em trở thành hiện thực.

Đường đến điểm trường Nậm Lạn.

Chia tay cô trò điểm Co Muông, chúng tôi tiếp tục hành trình 10 cây số nữa để đến với bản Nậm Lạn. Mưa như thêm nặng hạt, chặng đường này khó hơn bởi có nhiều đoạn dốc cao, độ trơn trượt cũng tăng dần, hơn nữa, những điểm sạt lở xuất hiện nhiều hơn. Lại thêm hơn 2 tiếng đồng hồ đánh vật với con đường đầy bùn đất, chúng tôi mới đến bản. Năm ngoái, hơn 42 hộ dân phải di chuyển đến điểm tái định cư mới vì nơi ở cũ có nguy cơ sạt lở cao, do đó năm học này, 26 trẻ mầm non phải học trong nhà tạm vì chưa có nhà lớp học.

Đón chúng tôi là cô giáo Lò Thị Lan, đã 15 năm bám lớp vùng cao, nên cô Lan tường tận những vất vả, thiệt thòi của người dân và học trò của mình. Cứ đều đặn hằng tuần, cô giáo Lan phải dậy từ 4 giờ sáng để lên đường đến lớp. Con đường từ nhà cô đến điểm trường dài hơn 30 cây số, với lối đi xuyên qua những cánh rừng âm u, những con suối cắt ngang đường lúc lành, lúc dữ, nhưng ngày nào cô cũng đều đặn đến trường, mang theo hy vọng và trách nhiệm với những trẻ em đang mong chờ cô .

Cô và trò điểm trường Nậm Lạn.

Cô Lan chia sẻ: Có những ngày mưa lớn, đường trơn như đổ xà phòng, tôi phải dừng chân giữa rừng, đợi cho ngớt mưa rồi mới dám tiếp tục đi. Không đến lớp, thấy nhớ các em lắm. Các em cũng vậy, mỗi lần tôi đến muộn, bọn trẻ đều đứng chờ ở cổng trường, em nào cũng cười tươi, mong ngóng cô giáo.

Những năm trước đây, đường đến trường của các giáo viên mầm non ở vùng cao này còn có các thầy giáo tiểu học đi cùng và hỗ trợ những đoạn đường khó. Nhưng bây giờ, những học sinh tiểu học đều xuống trường trung tâm để học bán trú, nên điểm trường các bản chỉ còn trẻ mầm non. Vì vậy, mọi khó khăn trên chặng đường đến lớp, các cô giáo đều phải tự mình xoay sở.

Cô giáo Nguyễn Thị Nụ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phong Lan, chia sẻ: Nhà trường có 40 nhóm, lớp với 964 cháu; trường có 17 điểm trường lẻ. Điều kiện ở các điểm này còn nhiều khó khăn lắm. Đường đến lớp toàn đèo dốc, thường xuyên bị sạt lở. Một số điểm còn chưa có điện thắp sáng, chưa có nước sinh hoạt; nhiều phòng học còn chật chội, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Hiện nay, nhà trường đang gặp khó khăn trong vận động trẻ đến lớp, nhất là trẻ trong độ tuổi nhà trẻ bởi ảnh hưởng thiên tai, dân cư ở các điểm lẻ cách xa nhau, cha mẹ các em thì mải làm nương, lo cuộc sống nên trẻ phải tự đến trường…

Lớp học tạm tại bản Nậm Lạn.

Khó khăn là vậy, nhưng chất lượng trẻ các năm học của nhà trường đều đạt từ 97% trở lên. Không chỉ dạy các em làm quen với con chữ, những cô giáo mầm non ở vùng biên Sốp Cộp còn là những người mẹ thứ hai của các em học sinh, dạy các em biết giữ vệ sinh cá nhân, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập và cuộc sống. Đồng thời, là những người truyền cảm hứng, mở ra cho các em ước mơ về một tương lai tươi sáng.

Anh Giàng A Lù, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Nậm Lạn, phấn khởi: Các con đến lớp được các cô chăm lo, dạy dỗ. Ngày trước, bản mình chỉ có vài người biết chữ, giờ thì đứa nào cũng biết đọc, biết viết. Các thầy cô đã mang tri thức đến cho cả bản. Nhờ đó, người dân cũng dần ý thức hơn về việc cho con đi học đầy đủ, không còn bỏ học giữa chừng

Hành trình đến trường của các giáo viên mầm non ở vùng biên giới Sốp Cộp là hành trình đầy gian nan, nhưng chở đầy tình yêu thương và hy vọng. Các cô đã và đang thầm lặng góp sức để viết tiếp khát vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em vùng cao nói riêng và  vùng đất còn nhiều gian khó nơi đây. 

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới