Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Hội nghị được trực tuyến đến 26 điểm cầu các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phố.

Giọng nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị khắc phục hậu quả bão số 3. Ảnh: VGP
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La, có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh. 

Trước khi bắt đầu hội nghị, các đại biểu dự họp tại các điểm cầu đã dành một phút mặc niệm, tưởng niệm các nạn nhân tử vong và mất tích do bão gây ra.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La tưởng niệm các nạn nhân.

Cơn bão số 3 có tên quốc tế là Yagi đổ bộ vào bờ biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng vào ngày 7/9, với cường độ cấp 12, giật cấp 13; thời gian lưu bão trên đất liền nước ta kéo dài 12 giờ đồng hồ gây ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh miền Bắc.

Tính đến hết ngày 14/9, bão số 3 và hoàn lưu cơn bão đã làm 348 người chết và mất tích; hơn 1.900 người bị thương; gây thiệt hại trên 190 nghìn ha lúa; 31,7 nghìn ha cây ăn quả; trên 48,7 nghìn ha hoa màu; 3.269 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 21,7 nghìn con gia súc và 2,62 triệu con gia cầm bị chết…

Cùng với đó, lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm mực nước trên các con sông dâng cao làm nhiều tỉnh, thành phố bị ngập úng; gây 305 sự cố đê điều, trong đó, một sự cố vỡ đê tại Tuyên Quang, 54 sự cố tràn trên, cùng nhiều sự cố khác về hệ thống đê…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Sơn La.

Riêng tại tỉnh Sơn La, do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 6 đến 11/9, tỉnh Sơn La xảy ra mưa lớn, có nơi mưa rất to, làm một người mất tích; 1.145 nhà ở bị thiệt hại; gây sụt ta luy dương trên 419 nghìn m3 đất đá; trên 10,56 m2 mặt đường bị hư hỏng; 41 vị trí cột trung thế và 133 vị trí cột hạ thế bị gãy đổ; 9 công trình nước sạch, 14 điểm trường bị ảnh hưởng. Về sản xuất nông nghiệp, trên 1.617 ha cây trồng bị thiệt hại, 56 con gia súc bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại ước tính trên 149,44 tỷ đồng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các giải pháp khắc phục thiệt hại do bão số 3; tập trung xử lý các vị trí đê xung yếu, sạt lở bờ sông, bờ biển; kiên cố hóa, sửa chữa, xây mới các công trình tiêu thoát nước, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất; điều tra hiện trạng cơ sở hạ tầng ảnh hưởng tới thoát lũ ở khu vực miền núi; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 6 mục tiêu khắc phục hậu quả bão, gồm: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, nước sạch, chỗ ở; khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục hiệu quả sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt 7%; đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. 

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành của trung ương và các tỉnh, thành phố phía Bắc nghiên cứu, triển khai thực hiện các nhóm giải pháp, gồm: Cấp bách, ổn định tình hình dân cư và khôi phục sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục tập trung cho công tác tìm kiếm người mất tích, cứu người bị thương, bị ốm đau, sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân mất nhà, cung cấp lương thực thực phẩm cho nhân dân. Tìm cách tiếp cận những khu vực bị chia cắt để tiếp tế, dọn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; sửa chữa các cơ sở y tế, giáo dục...

Yêu cầu các ngân hàng có cơ chế giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh chịu ảnh hưởng của bão. Ngành điện sớm khôi phục nhanh cơ sở hạ tầng điện. Các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có phương án giảm giá cước giao thông vận tải; điều hòa các công trình thủy điện, hồ thủy lợi, phục vụ sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, kiểm soát tốt lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Tin, ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới