Xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây ăn quả

Cùng với việc mở rộng diện tích cây ăn quả, tỉnh Sơn La luôn quan tâm hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Xuất phát từ thực tiễn, Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây: nhãn, xoài, bơ, thanh long tại tỉnh Sơn La” đã được tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện.

 

Mô hình sản xuất thanh long ruột đỏ TL5 hữu cơ tại xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Đề tài triển khai từ tháng 9/2019, với mục tiêu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây nhãn, xoài, bơ, thanh long, làm cơ sở phát triển thành vùng hàng hóa phục vụ xuất khẩu; xác định vùng trồng và sản xuất hữu cơ. Nhóm thực hiện đề tài đã lựa chọn 3 huyện: Sông Mã, Mai Sơn và Mộc Châu để triển khai thí nghiệm sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học và các mô hình sản xuất hữu cơ cây ăn quả, trên cơ sở đó, đánh giá hiệu quả, tính phù hợp để xây dựng quy trình sản xuất hữu cơ phù hợp với từng loại cây trồng.

Chia sẻ về những kết quả nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Sau 3 năm triển khai, đề tài đã xác định được một số biện pháp kỹ thuật phù hợp và hoàn thiện được 4 quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho giống nhãn PHM99-1.1, giống xoài GL4, giống bơ sáp, giống thanh long ruột đỏ TL5. Đồng thời, xây dựng 4 mô hình sản xuất hữu cơ, gồm 0,2 ha nhãn PHM99-1.1 tại bản Hưng Mai, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã; 0,2 ha xoài GL4 tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn; 0,2 ha bơ sáp tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu và 0,2 ha thanh long ruột đỏ TL5 tại bản Tiền Phong, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã.

Vườn thanh long của gia đình anh Lường Văn Thoan, bản Tiền Phong, xã Nà nghịu, huyện Sông Mã được nhóm thực hiện đề tài lựa chọn xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ. Tại đây, đã nghiên cứu ảnh hưởng của một số loại phân bón hữu cơ đến khả năng sinh trưởng phát triển, năng suất và chất lượng quả thanh long; áp dụng một số biện pháp kỹ thuật: Sử dụng cây trồng xen, sử dụng chế phẩm hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Kết quả, sử dụng phân bón hữu cơ Komix cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao nhất; đối với việc trồng xen đậu tương đen, cây sả trong vườn thanh long không những làm tăng khả năng sinh trưởng, tăng năng suất, còn giảm một số sâu hại chính trên giống thanh long ruột đỏ TL5; sử dụng các chế phẩm hữu cơ Chitosan và thuốc trừ bệnh sinh học có tác dụng tốt trong phòng chống một số sâu bệnh hại, bệnh gây hại nấm và vi khuẩn trên thanh long.

Qua theo dõi, vườn thanh long sản xuất hữu cơ có tỷ lệ sâu bệnh hại giảm, năng suất tăng hơn 60% so với mô hình canh tác hữu cơ trước đó. Anh Thoan phấn khởi nói: Được cán bộ đề tài trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cho cây thanh long giúp tôi hiểu và thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, từng bước chuyển sản xuất truyền thống sang sản xuất hữu cơ, tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Còn tại huyện Mộc Châu - vùng trồng bơ lớn nhất của tỉnh, nhóm thực hiện đề tài áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ đối với vườn bơ của gia đình ông Nguyễn Văn Khải, thị trấn Mộc Châu. Các thí nghiệm tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của cây trồng xen, một số loại phân bón hữu cơ đến sinh trưởng, năng suất và chất lượng quả, áp dụng biện pháp thâm canh, kỹ thuật chăm sóc trên cây bơ. Kết quả, mô hình bơ sản xuất theo hướng hữu cơ có cây sinh trưởng khỏe, tỷ lệ ra hoa cao, năng suất và chất lượng quả đạt cao hơn so với mô hình sản xuất của người dân.

Ông Khải chia sẻ: Mặc dù sản xuất hữu cơ năng suất chỉ bằng 60 - 70% so với việc sử dụng phân bón hóa học, xong chất lượng quả cao hơn hẳn, giá bán cao hơn 1,5 - 2 lần. Quan trọng hơn, sản xuất hữu cơ tạo ra sản phẩm an toàn. Gia đình sẽ tiếp tục chuyển đổi 2 ha bơ hiện có sang trồng hoàn toàn theo quy trình sản xuất hữu cơ.

Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đánh giá: Kết quả của đề tài là cơ sở quan trọng để chính quyền địa phương cũng như người dân thấy được hiệu quả giá trị kinh tế, hiệu quả môi trường sinh thái từ sản xuất hữu cơ để có những định hướng quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương sớm chuyển giao hướng dẫn kết quả nghiên cứu của đề tài tới người dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá đạt yêu cầu và nghiệm thu. Những kết quả của đề tài sẽ được áp dụng vào thực tiễn sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu các sản phẩm cây trồng, tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác của nông dân.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới