Tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh

Những năm qua, các trường học trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức cho học sinh gặp gỡ nhân chứng lịch sử; thăm các di tích cách mạng; tặng quà gia đình chính sách, Mẹ Việt Nam Anh hùng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh.

Giọng nữ

Hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), vừa qua, tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố, đã phối hợp tổ chức Chương trình giáo dục kỹ năng sống “Tiếp bước truyền thống Anh hùng". Theo đó, hơn 1.000 học sinh của nhà trường đã được trang bị kiến thức, trải nghiệm kỹ năng quân sự, như: Báo cáo, đội hình đội ngũ; công tác nội vụ; thao trường; trải nghiệm chủ đề “Giai điệu tự hào”; quà tặng chiến sĩ.

Chương trình giáo dục kỹ năng sống “Tiếp bước truyền thống Anh hùng" tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố

Em Bùi Hà Linh, lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Trãi, chia sẻ: Chương trình rất ý nghĩa, giúp em và các bạn hiểu hơn về truyền thống, những mốc son lịch sử, chiến công oanh liệt của quân đội ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, chúng em tích cực rèn luyện, thực hiện tốt “5 điều Bác Hồ dạy”, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do nhà trường, đoàn, đội tổ chức, phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi, đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ.

Trên địa bàn huyện Mộc Châu có 22 di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Nhiều di tích là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh, như: Di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Di tích lưu niệm nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu…

Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu, cho biết: Cùng với giảng dạy lịch sử địa phương, các nhà trường còn tổ chức hoạt động ngoài giờ gắn với giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh. Mỗi trường đăng ký chăm sóc một di tích lịch sử địa phương, có địa điểm gần trường. Đơn cử như Trường tiểu học &THCS Tây Tiến đăng ký chăm sóc Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ; Trường THCS 8/4 nhận chăm sóc Di tích lịch sử - văn hóa Bác Hồ về thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu... Các trường học ở xã nhận chăm sóc nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của địa phương... Qua đó, giúp các em hiểu thêm về truyền thống lịch sử, thêm yêu quê hương, đất nước và nâng cao ý thức rèn luyện đạo đức, phấn đấu học tập tốt để trở thành công dân có ích.

Học sinh Trường tiểu học thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, thắp hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Khu du tích Kỳ đài Thuận Châu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 509 trường học, với trên 370.000 học sinh. Thời gian qua, công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh được các trường học gắn với các hoạt động cụ thể nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, như: Ngày thành lập Đảng (3/2); Ngày thành lập Đoàn THCS Hồ Chí Minh (26/3); Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4); Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5); Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7); Ngày Quốc khánh (2/9); Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12)... Với các hoạt động thi viết bài tìm hiểu, trao đổi, tọa đàm, nghe nói chuyện chuyên đề, mít tinh kỷ niệm... Tổ chức lễ kết nạp đội viên mới tại các địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu những trang sử vẻ vang của dân tộc, địa phương và gắn với hoạt động tham quan, dâng hương tưởng niệm, dọn vệ sinh nhà bia khu di tích…

Ông Vũ Việt Hùng, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, cho hay: Từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai, trong đó, giáo dục địa phương là nội dung bắt buộc, tương đương với một môn học từ bậc tiểu học đến THPT. Học môn giáo dục địa phương, học sinh được tìm hiểu các nội dung về văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương, danh lam thắng cảnh; các loại hình nghệ thuật truyền thống; lễ hội truyền thống; di tích lịch sử văn hóa; một số nhân vật tiêu biểu, danh nhân. Các nội dung giáo dục địa phương được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và trong dạy học các môn học tiếng Việt, đạo đức, tự nhiên và xã hội, lịch sử và địa lý. Thông qua môn học này, giúp các em tìm hiểu về lịch sử địa phương, hiểu thêm về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước.

Học sinh Trường THCS Chiềng Sơ, huyện Sông Mã, gặp gỡ CCB tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 

Tại Trường THPT Tô Hiệu, Thành phố, giáo dục lịch sử địa phương được giảng dạy theo khung chương trình chung với quy định số tiết học cụ thể trong năm và tổ chức các hoạt động ngoại khoá giáo dục truyền thống cho học sinh. Thầy giáo Bùi Ngọc Khánh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hằng năm, nhà trường phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức cho các em dâng hương tại Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La; tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp nhà cách mạng, liệt sĩ Tô Hiệu; tham quan, dọn vệ sinh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

 Bằng những việc làm thiết thực, các em học sinh tại các trường học trong tỉnh đã được quan tâm, giáo dục truyền thống lịch sử để khơi dậy niềm tin, lòng tự hào dân tộc. Tin rằng các em sẽ mãi khắc ghi niềm tự hào đó để không ngừng cố gắng, nỗ lực học tập và rèn luyện, trở thành những người công dân có ích.

Bài, ảnh: Thư Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới