Giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp

Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, tìm ra những giải pháp thích ứng để giảm thiểu rủi ro thiên tai, tạo sinh kế lâu dài cho người dân trước diễn biến phức tạp của thời tiết, năm 2021, tỉnh ta đã phê duyệt thực hiện Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp giảm thiểu rủi ro trong nông nghiệp cho người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La”. Đề tài do Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ, Trường đại học Tây Bắc chủ trì, Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ nhiệm.

Nhóm thực hiện đề tài trao đổi với nhân dân thị trấn Mộc Châu về các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Sau thời gian thực hiện, thông qua phân tích dữ liệu, phương pháp nghiên cứu và cơ sở thực tiễn, nhóm thực hiện đề tài đã đánh giá về mức độ rủi ro. Theo đó, trồng trọt chịu tác động rủi ro do thiên tai, thời tiết ở mức độ cao nhất; còn trong chăn nuôi, bệnh dịch rủi ro mức độ cao nhất. Riêng rủi ro thị trường đều có mức độ cao ở cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và những khu vực nông hộ tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ thì mức độ rủi ro thấp hơn do tham gia vào mắt xích khác trong chuỗi.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết: Đề tài đi sâu nghiên cứu và phân tích 18 nhóm chính sách có liên quan đến ứng phó rủi ro nông nghiệp, các hoạt động của cơ quan xúc tiến thương mại và vai trò của đoàn thể chính trị xã hội trong việc hỗ trợ giảm thiểu rủi ro nông nghiệp tại Sơn La. Qua phân tích chính sách cho thấy, tỉnh Sơn La đã triển khai chính sách nhằm ứng phó với rủi ro nông nghiệp, như: Thực hiện chính sách tín dụng cho nông dân; đẩy mạnh Chương trình khuyến nông địa phương giai đoạn 2020-2025; hỗ trợ cây trồng và giống vật nuôi giúp tăng thu nhập của nông dân, giảm các rủi ro về giống, tăng khả năng tích lũy ứng phó với rủi ro khác trong nông nghiệp; chính sách hỗ trợ giá, chính sách thuế, phí đã kịp thời giúp các doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề giảm thiểu rủi ro sản xuất, thị trường, con người.

Nhóm thực hiện đề tài cũng đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp và tài liệu hướng dẫn nông dân Sơn La giảm thiểu rủi ro nông nghiệp”. Hội thảo đã cung cấp tài liệu hướng dẫn nông dân Sơn La giảm thiểu rủi ro nông nghiệp, đó là những vấn đề cơ bản về quản lý rủi ro nông nghiệp, kinh tế hộ, chuỗi liên kết và tiêu thụ. Hướng dẫn cụ thể giảm thiểu rủi ro trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản giúp người dân chủ động hơn về kiến thức, kỹ thuật trong phát triển sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Quý, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, chia sẻ: Tham gia hội thảo, với những thông tin rất quan trọng về quản lý rủi ro nông nghiệp, kinh tế hộ, chuỗi liên kết và tiêu thụ, đã giúp chúng tôi chủ động hơn về kiến thức, kỹ thuật trong phát triển sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Thảo thông tin thêm: Đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp, khuyến nghị, để giúp người sản xuất hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy ra, như: Nâng cao năng lực sản xuất, quản lý rủi ro của người nông dân, giúp nông hộ chủ động ứng dụng kỹ thuật sản xuất phù hợp, tích cực hợp tác sản xuất; đồng hành cùng nông dân hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm. Đồng thời, lựa chọn mũi nhọn để xác định lộ trình đạt tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu cũng như năng lực quản lý kinh tế hộ, đổi mới tư duy kinh tế, xác định cơ cấu tiêu dùng, tiết kiệm hợp lý đặc biệt đối với nông hộ dân tộc thiểu số, tăng cường tiếp cận thông tin, xử lý, phân tích, chia sẻ thông tin trong cộng đồng dân cư nông thôn. Bên cạnh đó, nông hộ cần thực hiện đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa nguồn thu nhập, tích cực hợp tác sản xuất; phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, chính quyền địa phương nhằm tăng cường năng lực sản xuất thực hành nông nghiệp.

Những kết quả của đề tài sẽ là cơ sở khoa học, tài liệu quan trọng để các cấp, ngành, địa phương xem xét, chỉ đạo việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, góp phần giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới