Giải mã hương vị độc đáo từ cây nhãn trên đất dốc của huyện Sông Mã

Với hơn 68 ha cây ăn quả, trong đó, có 46 ha nhãn đang được sản xuất theo hướng hữu cơ, hằng năm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, thu hoạch từ 500 đến 600 tấn nhãn tươi. Từ đó, tạo việc làm ổn định cho lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/tháng; không chỉ nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân nông thôn mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của huyện.

Hầu hết các hợp tác xã tại huyện Sông Mã phát triển kinh tế từ cây nhãn đều hoạt động hiệu quả và mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Trong đó, điển hình là Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, xã Chiềng Khương.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi đã có nhiều năm gắn bó với cây ngô, nhưng thu nhập chẳng là bao, cuộc sống cũng không khá lên được. Sau đó, tôi đã quyết định lựa chọn cây nhãn, với tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cùng với nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi từ địa phương.

Vườn trồng nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La từ trên cao.

Cây nhãn được trồng ở Sông Mã bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi một số người tỉnh Hưng Yên quyết định lên huyện Sông Mã lập nghiệp. Họ đã mang theo giống nhãn Hưng Yên nổi tiếng và trồng giống nhãn này trên mảnh đất của huyện Sông Mã. Tuy vậy, giống nhãn Hưng Yên được trồng tại vùng đất mới đã không đem lại hiệu quả chất lượng như mong đợi, cây yếu và dễ sâu bệnh. Đánh giá được tiềm năng phát triển của cây nhãn, huyện Sông Mã đã hợp tác cùng Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương tiến hành nghiên cứu khoa học, nhằm cải tạo giống nhãn này để phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại huyện và đem lại năng suất cao. Đó là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của đặc sản nhãn Sông Mã ngày nay.

Sau vài năm trồng nhãn và đạt hiệu quả kinh tế tốt, ông Lộc nhận thấy cây nhãn ở đây chỉ được trồng theo hướng tự phát, cây chưa đạt năng suất tối ưu, phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả giao động mạnh. Chính vì vậy, năm 2017, ông Lộc đã quyết định vận động một số hộ dân trồng nhãn ở xã Chiềng Khương thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc. 

 Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc giới thiệu vườn trồng nhãn của Hợp tác xã với khách tham quan

Sau hơn 5 năm thành lập, từ một Hợp tác xã còn gặp nhiều khó khăn, đến nay Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc đã từng bước củng cố, mở rộng sản xuất - kinh doanh; định hướng trồng nhãn theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP; tạo liên kết với các hộ thành viên, nông dân, thương lái, doanh nghiệp để nâng cao sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Từ hiệu quả liên kết sản xuất, Hợp tác xã đã tăng lên 23 thành viên vào năm 2023,với quy mô sản xuất hơn 68 ha cây ăn quả.

“Đối với quy trình chăm sóc cây nhãn tại Hợp tác xã, chúng tôi ưu tiên sử dụng toàn bộ phân bón hữu cơ được ủ từ phân trâu, phân bò và thuốc phun sinh học cho cây. Không chỉ vậy, với tình hình hạn hán trong năm nay, Hợp tác xã đã chủ động được nguồn nước tưới tiêu để đảm bảo sự phát triển của cây trồng” - Ông Lộc chia sẻ thêm.

Đến nay, Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc đã xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường. Nhãn của Hợp tác xã được phân phối rộng rãi khắp các tỉnh thành miền Bắc và ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Nhờ vào chất lượng và hương vị độc đáo, quả nhãn từ Hợp tác Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn có tiềm năng để xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Vương quốc Anh và các quốc gia khác trong tương lai.

Nhờ vào những nỗ lực không ngừng, quả nhãn từ Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Lộc nói riêng và nhãn Sông Mã nói chung đã từng bước khẳng định vị thế, chất lượng của mình trên thị trường. Từ lâu, đó không chỉ là một loại cây ăn quả mà còn là biểu tượng cho ý chí vươn lên, sự đoàn kết và câu chuyện thành công của những người nông dân, hợp tác xã tại vùng đất dốc Sơn La trong việc tạo ra sản phẩm độc đáo đến tay người tiêu dùng trong nước và vươn ra thế giới.

Chiếm hơn 70% diện tích cây ăn quả toàn huyện, từ lâu nhãn đã trở thành cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, đồng thời là một biểu tượng độc đáo của huyện Sông Mã. Quả nhãn được trồng tại đây có đặc điểm chung là quả to tròn, vỏ mỏng và có màu nâu sáng, hạt nhỏ, cùi dày và hương vị thơm ngọt. Theo báo cáo của UBND huyện Sông Mã, năm 2023, với hai giống chính là Miền Thiết và T6, sản lượng nhãn tươi ước đạt trên 70.000 tấn, tăng khoảng 16% so với năm 2022. 

Bài, ảnh: Trần Hương
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới