Người đưa giống cam Ly về Mộc Châu

Với sự cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Hà Văn Chiến, tiểu khu 68, thị trấn Nông trường Mộc Châu là người đầu tiên ở tỉnh Sơn La ghép thành công và trồng được giống cam Navel Úc (cam Ly). Mô hình trồng cam Ly của gia đình anh Chiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nông dân trong vùng học tập, làm theo.

Cơ duyên với cam Ly

Anh  Hà Văn Chiến chăm sóc vườn cam Ly.

 

Đến thăm mô hình trồng cam của anh Chiến đúng thời điểm cam bắt đầu ra hoa, tỏa hương ngào ngạt, dưới vườn cam Ly xòa tán là những hàng chè xanh mướt, chuẩn bị cho thu hái vụ xuân. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Chiến kể cơ duyên gắn bó với cây cam Ly. Theo đó, năm 2011, anh Chiến có mua được một ít cam Naved của Úc cho gia đình ăn. Quả cam Úc vàng óng, ngọt lừ, tép ròn, ai cũng tấm tắc khen ngon. Thấy vậy, anh Chiến đã lấy lại 2 cuống ở trên quả cam Úc rồi ghép vào cành bưởi ta trong vườn, được 2 cây giống. Sau 2 năm trồng, cây cho bói quả, chất lượng ngon không khác gì cam Úc mua 2 năm trước.

Quả cam Ly Mộc Châu được dán tem truy suất nguồn gốc.

Chưa kịp thắc mắc vì sao lại tên là cam Ly, anh Chiến nói: Vợ chồng tôi quyết định đặt tên giống cam này là cam Ly – tên cháu thứ 2 của gia đình. Dù không học qua trường lớp gì về nông nghiệp, những anh Chiên vẫn miệt mài tự mầy mò, ghép, trồng và chia sẻ cây giống cho người dân trong huyện cũng như cả các huyện khác. Gia đình hiện có 350 cây cam Ly cho thu hoạch, đang trồng xem 500 cây cam Ly với cam canh. Từ giống cam Ly của gia đình anh Chiến cung cấp, hiện nay, Mộc Châu có khoảng 30 ha cam Ly với các đặc tính nổi trội từ cam Navel Úc, như: Không hạt, tép giòn, vỏ mỏng, thơm sâu, ngọt đậm.

Anh Chiến chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi thấy, lấy mắt cam Ly ghép với thân cây bưởi ta phát triển tốt hơn, bền cây hơn. Bình quân hằng năm xuất bán từ 1.000 – 2.000 cây giống cho nông dân trong và ngoài huyện.

Anh Hà Văn Chiến ghép cây cam Ly để mở rộng diện tích và bán cho nông dân trong vùng.

 Vườn cam Ly của gia đình anh Chiến được chăm sóc kĩ lưỡng, theo hướng hữu cơ, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưu chuộng. Vụ cam vừa qua, gia đình anh Chiến thu hoạch được hơn 17 tấn cam Ly, với giá bán bình quân 50-60 nghìn đồng/kg, thu hơn 800 triệu đồng; ngoài ra còn thu được hơn 10 tấn cam canh, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, thu trên 300 triệu đồng. Từ hộ nông dân còn khó khăn, sau hơn 10 năm gắn bó với cây cam Ly gia đình anh Chiến đã trở thành tỷ phủ nông dân.

Xây dựng thương hiệu cam Ly Mộc Châu

Trước giá trị cây cam Ly mang lại, với mục tiêu nâng tầm, xây dựng thương hiệu cam Ly Mộc Châu, từ năm 2021, anh Ngô Thành Đạo, Phó Giám đốc HTX  Đặc sản Tây Bắc, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu đã phối hợp với gia đình anh Chiến, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở cửa vườn cho khách vào thăm quan, biến nhà vườn thành điểm du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Đến đây, du khách được ăn cam miễn phí, trải nghiệm hái cam, ghi những hình ảnh đẹp tại vườn…

Anh Ngô Thành Đạo chia sẻ: Sơn La có nhiều nông sản phong phú, chất lượng nhưng thiếu những "người kể chuyện, giới thiệu về nông sản" nên sản vật chưa được quảng bá, tuyên truyền sâu rộng. Sau nhiều đêm trăn trở, tôi nghĩ tại sao người sản xuất ở những nơi khác lại xây dựng thành công thương hiệu mận hậu RUBY từ mận hậu Sơn La, bán vài trăm nghìn đồng/kg mà người Sơn La không tự mình dựng thương hiệu được cho mình. Từ đó, tôi bàn với anh Chiến xây dựng, quảng bá thương hiệu cam Ly Mộc Châu, với mong muốn chia sẻ những nông sản tuyệt vời nhất của quê hương Mộc Châu đến mọi người và giúp những người nông dân làm giàu trên chính quê hương mình bằng những sáng tạo và nỗ lực tuyệt vời của họ. 

Anh Ngô Thành Đạo, Phó Giám đốc HTX  Đặc sản Tây Bắc giới thiệu sản phẩm cam Ly Mộc Châu.

Triển khai ý tưởng, HTX Đặc sản Tây Bắc đã tập trung xây dựng Logo và bộ nhận diện thương hiệu cam Ly Mộc Châu. Trong vai trò "người kể chuyện, giới thiệu về nông sản", anh Đạo đã thực hiện nhiều video và bộ ảnh để kể câu chuyện rất đáng trân trọng về hành trình để có trái ngọt phải đánh đổi sau hơn 10 năm lao động miệt mài của gia đình anh Chiến để tạo ra quả cam Ly thơm ngon và từ đó thêm trân trọng phẩm chất cần cù, năng động, sáng tạo của người nông dân Việt Nam. Những hình ảnh, video về cam Ly Mộc Châu được đăng trên mạng xã hội đã nhận được nhiều quan tâm, chia sẻ.

 Băt đầu từ tháng 10/2022, khi bắt đầu vào mùa cam, vườn cam Ly nhà anh Chiến sai trĩu quả. Màu cam chín vàng tươi, nổi bật lên bởi với màu xanh của đồi chè trồng xen canh đã thu hút một lượng lớn khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Du khách tham quan vườn cam Ly của gia đình anh Chiến.

Anh Chiến thật thà nói: Từ ngày phối hợp với HTX Đặc sản Tây Bắc làm du lịch trải nghiệm, vườn cam Ly của gia đình được nhiều người biết đến hơn; sản phẩm tiêu thụ dễ dàng và được giá cao hơn. Nhiều khách du lịch sau khi trải nghiệm, thưởng thức cam tại vườn đặt mua vài chục cân về làm quà, thậm chí có du khách ngoại tỉnh sau khi về nhà còn đặt chúng tôi thêm hàng tạ cam Ly.

Du khách lưu lại hình ảnh vườn cam Ly của gia đình anh Chiến.

Mang câu chuyện của anh Chiến chia sẻ với ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội nông dân huyện Mộc Châu, ông tự hào nói: Gia đình anh Chiến là hộ nông dân tiêu biểu của huyện, nhiều năm được công nhận hộ nông dân sản xuât kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo, anh Chiến làm giàu cho gia đình mình và tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế cho bà con nông dân địa phương. Đây là một loại cam mang lại hiệu quả kinh tế rất cao ở huyện nhà hiện nay, mở ra hướng mới trong lựa chọn cây trồng cho người nông dân trên cao nguyên Mộc Châu.

Sản phẩm cam Ly được giới thiệu, bày bán tại HTX đặc sản Tây Bắc.

Hiện nay, gia đình anh Chiến đang tiếp tục tập trung cải tạo vườn, làm thêm điểm để du khách “check in” sắn sàng phục vụ du khách vào mùa cam Ly tới. Chia tay gia đình anh Chiến, tôi nhớ mãi lời anh nói: “Nông dân bây giờ khác xưa nhiều lắm, ngoài việc chăm chỉ, phải không ngừng sáng tạo, đẩy mạnh áp ụng khoa học kỹ thuật, thì mới có thể thành công”.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới