Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 20/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, do đồng chí Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng Đoàn giám sát theo Quyết định số 28/QĐ-ĐĐBQH, đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại huyện Thuận Châu.

Tham gia Đoàn giám sát có các đồng chí: Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại huyện Thuận Châu.

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, UBND huyện Thuận Châu đã lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản và tổ chức thực hiện đảm bảo đúng lộ trình. Quan tâm công tác xây dựng đội ngũ cán bộ và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Tập trung sắp xếp các cơ quan, đơn vị sự nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp. Đảm bảo tính thống nhất đồng bộ; kết hợp hài hòa giữa tính kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển. Gắn sắp xếp tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản biên chế và cải cách hành chính. Tổng số đơn vị sự nghiệp năm 2015 là 133 đơn vị; sau sáp nhập giảm 32 đơn vị; biên chế sự nghiệp giao năm 2015 là 2.663 viên chức; biên chế giao năm 2023 là 2.562 viên chức, giảm 101 biến chế. Huyện Thuận Châu đề nghị UBND tỉnh xem xét, bổ sung biên chế giáo viên đảm bảo định mức quy định.

Đồng chí Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, phát biểu ý kiến.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung về: Vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước trong tổ chức sắp xếp, kiện toàn bộ máy, đổi mới quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập sau sáp nhập; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công lập; chỉ tiêu biên chế; cơ chế tài chính và thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính.

Lãnh đạo huyện Thuận Châu nêu ý kiến tại cuộc giám sát.

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Thị Đôi đề nghị UBND huyện rà soát, hoàn thiện, bổ sung một số nội dung được đại biểu nêu; thống nhất các nội dung đề xuất, kiến nghị một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Qua đó, thực hiện thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. 

Cùng ngày, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Sở Y tế đã chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc phạm vi quản lý giảm gần 50% so với năm 2015, gấp 2,45 lần chỉ tiêu đề ra đến năm 2026 tại Kết luận số 40 KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị. Tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập được tinh gọn, thu giảm đầu mối, giảm số lượng cấp phó tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, đảm bảo phù hợp với phân cấp quản lý Nhà nước và quy định pháp luật. Hiện nay, Sở có 16 đơn vị thực hiện tự chủ 100% kinh phí thường xuyên và 5 đơn vị tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên, góp phần tiết kiệm, giảm chi từ ngân sách của Nhà nước.

Lãnh đạo Sở Y tế nêu ý kiến tại cuộc giám sát.

Sở Y tế kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh tăng mức trợ cấp chi trả chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ. Quy định rõ định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí. Quan tâm xem xét giao định mức biên chế, số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ kinh phí chi thường xuyên theo định mức biên chế tối thiếu quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023.

Lãnh đạo Sở Lao động -Thương binh và Xã hội nêu ý kiến tại cuộc giám sát. 

Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bố trí, sử dụng đúng số lượng chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức làm việc được UBND tỉnh giao trong các năm. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức được triển khai kịp thời; số lượng cấp phó trong đơn vị được bố trí đảm bảo theo quy định. Việc sắp xếp, bố trí, điều động công chức trong các đơn vị đảm bảo đúng vị trí việc làm, phù hợp chuyên môn, chuyên ngành đào tạo. Hiện nay, Sở có 7 phòng, 43 biên chế và 5 đơn vị sự nghiệp công lập, với 313 biên chế. Sở đề nghị các bộ, ngành xem xét ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; bổ sung biên chế cho Trung tâm Dịch vụ việc làm, Cơ sở điều trị nghiện ma túy. 

Đồng chí  Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu ý kiến tại cuộc giám sát.

Các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung liên quan đến triển khai, thực hiện việc thể chế hóa chủ trương sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; tồn tại, hạn chế, nội dung chưa triển khai và nguyên nhân; việc quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập;  hoàn thiện cơ chế tài chính; thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là tự chủ tài chính.

Đồng chí Hoàng Thị Đôi, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu ý kiến tại cuộc giám sát.

Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Hoàng Thị Đôi đề nghị các đơn vị thống nhất nội dung đề xuất, kiến nghị cụ thể đến các bộ, ngành, tỉnh. Trên cơ sở đó, Đoàn giám sát xây dựng báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh để giải quyết những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Qua đó, thực hiện thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tin, ảnh: Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới