Thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp

Những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hướng dẫn, đôn đốc các công đoàn khối doanh nghiệp tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ nơi làm việc, tạo mối quan hệ lao động hài hòa giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, không xảy ra đình công và tranh chấp lao động tập thể.

Kho bảo quản cà phê nhân của Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La.

Toàn tỉnh có 3.355 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 52.780 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 100.000 lao động. Từ đầu năm đến nay, thành lập mới 5 công đoàn cơ sở nâng tổng số lên 127 công đoàn, trên 7.000 đoàn viên khối doanh nghiệp, HTX, nghiệp đoàn. Ông Lường Minh Xuấn, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Các công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng, thực hiện tốt nghị quyết hội nghị người lao động, hội nghị đối thoại; công khai, dân chủ, thảo luận, xin ý kiến các nội dung theo quy định; ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Doãn Lương, Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, thông tin: Công đoàn có 289 đoàn viên. Hằng năm, công tác thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể được chú trọng với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Qua đó, phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động của tập thể, cá nhân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty nhiều năm nay luôn đứng trong tốp đầu doanh nghiệp của tỉnh; mức lương bình quân của công nhân viên đạt 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Thực hiện quy chế dân chủ trong HTX nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho thành viên. Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, cho biết: Tháng 11 năm 2022, công đoàn cơ sở HTX Xuân Tiến thành lập, với 19 đoàn viên. Ban quản trị HTX đã chủ động phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức hội nghị người lao động, thống nhất các chế độ, chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động. Đối thoại trực tiếp, giải đáp kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động.

Ông Hà Văn Phủ, thành viên và đoàn viên công đoàn cơ sở HTX Xuân Tiến, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu chia sẻ: Từ đề xuất, góp ý của các đoàn viên, công đoàn cơ sở HTX tổng hợp và đề xuất với HTX để HTX kiến nghị với các phòng, ban chuyên môn của huyện cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn thành viên đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng và giữ vững thương hiệu “Xoài tròn Yên Châu”; cách thu hái, bảo quản sản phẩm; được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Nhờ đó, xoài tròn của chúng tôi năm nào cũng được tiêu thụ hết với giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.

Trong thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại nơi làm việc. Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện QCDC tại nơi làm việc, nhất là chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; tăng cường đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động, góp phần xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, hài hòa lợi ích, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Bài, ảnh: Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới