Thêm động lực để gắn bó với rừng

Những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Mường La đã góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, chăm sóc quản lý, nâng độ che phủ của rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và giúp người dân có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống.

Rừng tự nhiên bản Nậm Nghiệp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La được nhân dân quản lý, bảo vệ phát triển tốt.

Hiện nay, huyện Mường La có trên 67.890 ha rừng, trong đó 63.550 ha rừng tự nhiên và hơn 4.340 ha rừng trồng, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Công, Chiềng Ân, Ngọc Chiến, Chiềng Muôn, Hua Trai, Chiềng Lao... Tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,72%. Ông Tòng Văn Dần, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thành phố - Mường La, cho biết: Hàng năm, huyện được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ 16 đến trên 30 tỷ đồng. Qua đó, giúp người dân thêm nguồn lực phát triển kinh tế, đầu tư xây dựng công trình nhà văn hóa, sửa chữa, bê tông hóa đường giao thông nông thôn, công trình nước sạch, mương phai thủy lợi… mua sắm dụng cụ phục vụ việc tuần tra, kiểm soát, PCCCR.

Bản Mển, xã Hua Trai, huyện Mường La biểu quyết xây dựng quy chế quản lý, sử dụng tiền DVMTR.

Hàng năm, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn theo dõi, giám sát việc thực hiện chính sách và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được chi trả cho các chủ rừng là cộng đồng, tổ chức chính trị xã hội các bản, bảo đảm công khai, minh bạch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho các chủ rừng và người dân. Tổ chức ký cam kết giữa các chủ dự án, UBND các xã với UBND huyện về công tác bảo vệ, PCCCR. Xây dựng quy chế, hương ước, quy ước quản lý, bảo vệ rừng. Thành lập và kiện toàn 15 tổ, đội bảo vệ rừng tại các xã với 190 người và 201 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR các bản gồm 2.100 người tham gia. 

Xã Chiềng Công quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ gần 8.170 ha rừng, hàng năm được chi trả  từ 5 - 7 tỷ đồng tiền DVMTR. Nguồn kinh phí này giúp bà con có thêm vốn để phát triển sản xuất. Các hộ trong xã còn trồng hơn 470 ha cây táo sơn tra; gần 140 ha cây thảo quả dưới tán rừng; hai cây trồng này đã giúp một số hộ vươn lên thoát nghèo.

 Từ một phần tiền DVMTR của cộng đồng bản, bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn đã bê tông hóa đường nội bản và lắp điện chiếu sáng.

Bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn là một trong những địa bàn làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và sử dụng hiệu quả tiền DVMTR. Hơn 1.840 ha rừng tự nhiên, trong đó 1.710 ha được giao cho cộng đồng bản và 130 ha giao 18 hộ dân quản lý, bảo vệ. Hàng năm, các chủ rừng được chi trả từ 600 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng tiền DVMTR. Ông Hàng A Ký, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Cát Lình, chia sẻ: Từ tiền DVMTR, bà con đã đóng góp sửa chữa nhà văn hóa bản; đổ bê tông, lắp điện chiếu sáng gần 1,7 km đường nội bản và một số công trình phục vụ đời sống và sản xuất. 

Trồng thảo quả dưới tán rừng giúp nhiều hộ ở bản Tảo Ván, xã Chiềng Công có thêm thu nhập. 

Thực hiện chính sách chi trả DVMTR ở Mường La đã từng bước nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; giảm đáng kể các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng. Diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ tốt, phát huy năng lực phòng hộ đầu nguồn; diện tích rừng trồng tăng, góp phần tạo sinh kế lâu dài cho người dân và giảm những tác động tiêu cực đến rừng.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới