Tạo sinh kế cho nhân dân gắn bó với rừng

Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai tại huyện Mường La đã góp phần bảo vệ trên 66.680 ha rừng, trong đó 64.108 ha rừng tự nhiên và hơn 2.576 ha rừng trồng.

Nhân dân bản Tà Pủ Chử, xã Chiềng Ân, huyện Mường La tuần tra bảo vệ rừng.

Chi nhánh Thành phố - Mường La thuộc Quỹ bảo vệ phát triển rừng Sơn La đã tăng cường phối hợp với chính quyền các xã, ban quản lý các bản tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ, phát triển rừng và sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đúng mục đích. Đồng thời, rà soát, xác định bổ sung diện tích đủ điều kiện chi trả DVMTR để làm cơ sở lập hồ sơ xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR.

 4 năm nay, Chi nhánh đã phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản. Năm 2023, đã thanh toán hơn 34,1 tỷ đồng tiền DVMTR cho 2.861 chủ rừng, với diện tích được chi trả 62.530 ha, thông qua tài khoản ngân hàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch, an toàn và hiệu quả hơn so với việc chi trả bằng tiền mặt và chủ rừng thuận tiện, chủ động hơn trong việc nhận tiền chi trả DVMTR.

Ông Tòng Văn Dần, Trưởng Chi nhánh, cho biết: Mường La có diện tích rừng nằm trong lưu vực sông Đà với nhiều nhà máy thủy điện nhỏ, mức chi trả DVMTR cao. Chi nhánh đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền và hướng dẫn các cộng đồng bản xây dựng, vận hành quy chế quản lý và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Từ nguồn kinh phí này, các bản đã xây dựng được nhiều công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân, như làm đường, xây dựng nhà văn hóa bản, công trình nước sinh hoạt, sân thể thao...

Xã Chiềng Ân đang quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ gần 4.494 ha rừng, trung bình hằng năm, Chiềng Ân được chi trả hơn 4 tỷ đồng tiền DVMTR. Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo ban quản lý các bản xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí chi tiết và phải được xã phê duyệt, bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Ông Sùng A Tủa, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Phần lớn kinh phí dùng để thực hiện các công trình đường bê tông, nước sạch, thủy lợi, tu sửa nhà văn hóa và phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Từ nguồn kinh phí DVMTR đã tạo thêm sinh kế cho người dân, ở các khu rừng tự nhiên, bà con đã trồng 50 ha cây thảo quả dưới tán rừng để tăng thêm thu nhập, có hộ thu hàng trăm triệu đồng/năm từ thảo quả.

Bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn, có hơn 1.000 ha rừng, hằng năm được chi trả tiền dịch vụ môi trường từ 600-800 triệu đồng. Nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”, bản Cát Lình đã họp dân xây dựng quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, bàn bạc, thống nhất các mục chi cho việc tuần tra bảo vệ rừng, sửa chữa xây dựng cơ sở hạ tầng nâng cao đời sống cho các hộ gia đình, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Năm 2022, cộng đồng bản đã trích lập 34% tổng số tiền để bê tông hóa 1 km đường vào bản và làm nền nhà bằng bê tông cho 14 hộ gia đình.

Ông Hàng A Ký, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Cát Lình, chia sẻ: Từ khi được chi trả DVMTR, nhiều năm nay, người dân trong cộng đồng không để xảy ra cháy rừng, không còn tình trạng phá rừng làm nương, tỷ lệ độ che phủ rừng nâng lên. Hằng năm, bản Cát Lình sẽ tiếp tục sửa, bổ sung quy chế quản lý sử dụng tiền phù hợp với điều kiện thực tế tại bản để sử dụng hiệu quả tiền DVMTR.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR ở Mường La đã phát huy hiệu quả, tạo sinh kế, giúp nhân dân gắn bó với rừng, giảm đáng kể các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, để những cánh rừng được bảo vệ, quản lý tốt, phủ xanh.

Bài, ảnh: Hữu Thủy
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới