Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nơi dừng chân, đóng quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân giải phóng năm xưa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 - "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" nay đã trở thành Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp được UBND tỉnh công nhận năm 2008, tọa lạc tại khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Đây là nơi nhắc nhở thế hệ tương lai về một thời chiến đấu, máu xương của ông cha đã đổ xuống cho những cánh rừng xanh, cho đất nước trường tồn.

Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp khu rừng bản Nhọt nằm trên quy hoạch rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất tại địa phận các xã Gia Phù, Suối Bau, Suối Tọ với diện tích trên 300 ha, trong đó có gần 200 ha rừng phòng hộ được người dân bản Nhọt 1, Nhọt 2 nhiều năm giữ gìn, bảo vệ. Nơi đây không khí trong lành, mát mẻ, những cây chò chỉ cổ thụ mấy người ôm không xuể, nhiều loại cây đang đơm hoa kết trái, khiến cả khu rừng tỏa mùi hương dịu mát.

Dẫn chúng tôi đi thăm rừng, ông Lò Văn Linh, Trưởng bản Nhọt 1, xã Gia Phù, kể: "Ngày trước, cánh rừng bao phủ ngọn núi Dưn, trải dọc thung lũng suối Bùa này là rừng thiêng, hay còn gọi là rừng cấm của người Mường, sống tại các bản thuộc xã Gia Phù, Tường Phù. Hàng năm, cứ đến ngày 14/7 âm lịch, là ngày tết Xíp Xí, đồng bào Mường lại cùng nhau vào rừng, mổ lợn, gà, trâu để hiến tế thần rừng, thần núi, cầu mong mùa màng tốt tươi".

Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù.

Theo lời kể của bà con, trên đường hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân đã trú ẩn dưới tán rừng già nguyên sinh tại bản Nhọt. Trong rừng có một khu bằng phẳng, dòng suối Bùa chảy qua, lớp lớp cây rừng dày đặc đã trở thành “mái nhà” che chở an toàn cho đoàn quân. Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng, người dân địa phương đã đặt cho khu rừng với những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương: “Rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Gần 7 thập kỷ qua, cánh rừng ở bản Nhọt, vẫn bạt ngàn, xanh tươi, như thể hiện tình cảm yêu mến, thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm ấy. Cuối năm 2021, huyện Phù Yên đã tổ chức Lễ khánh thành công trình bảo vệ rừng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp Khu rừng bản Nhọt được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.

Ông Đinh Công Són, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Nhọt 2, xã Gia Phù, kể: Những người biết, chứng kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân năm xưa qua khu rừng bản Nhọt không nhiều, phần lớn đã mất và không còn nhớ nguyên vẹn. Ngày bé tôi được bố kể, thời điểm Đại tướng và đoàn quân đến nghỉ chân tại khu rừng bản Nhọt diễn ra rất âm thầm, bí mật, để tránh tai mắt của giặc. Việc hành quân, đóng quân diễn ra khẩn trương, không để lại dấu vết. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ phần lớn người dân trong bản mới biết Đại tường từng đặt chân tại nơi đây. Riêng cá nhân tôi rất vinh dự, tự hào nhiều lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi cùng đơn vị được giao bảo vệ Đại tướng tại chiến trường Lào những năm 1970 và khi Đại tướng lên thăm Sơn La vào năm 1977.

Với tình cảm dành cho Vị tướng tài ba, khi Di tích được tu bổ, tôn tạo ông Són và bà con trong vùng ai cũng phấn khởi, tự hào. Người dân luôn coi trọng, bảo vệ cánh rừng vì nơi đây luôn có hình bóng của vị tướng lỗi lạc; tuyệt nhiên, ở đây không ai chặt phá, săn bắt thú rừng. Nhiều cây gỗ quý có đường kính hàng mét vẫn trường tồn với thời gian. Đối với, người dân nơi đây khi nói đến khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nói đến nét văn hóa, thành tập tục giữ rừng. Vào những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết có rất đông bà con đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn quân năm xưa.

Bà Nguyễn Thúy Mai, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Phù Yên,  Trưởng Ban quản lý Khu di tích, cho biết: Ban quản lý tham mưu cho huyện xây dựng các kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện của huyện lồng ghép với các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương tại di tích. Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, tìm hiểu lịch sử địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong không khí rộn ràng sắc xuân, những sắc hoa trên khu rừng Đại tướng bắt đầu khoe sắc góp phần tô điểm trên nền cánh rừng xanh thẳm; trào dâng niềm tự hào với truyền thống cách mạng của dân tộc và thêm quyết tâm, nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới