Quản lý hiệu quả nguồn thu, chi trả kịp thời, đúng chính sách

Năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh được đánh giá là đơn vị triển khai thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ MTR, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tăng độ che phủ và chất lượng rừng, tạo thêm sinh kế cho người dân từ nghề rừng.

Kiểm lâm địa bàn và nhân dân xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai tuần tra bảo vệ rừng.

Đơn vị đã phối hợp tốt với các ngành, đơn vị liên quan thường xuyên cập nhật diện tích khoanh nuôi tái sinh thành rừng để chi trả dịch vụ MTR; trình các cơ quan thẩm định để triển khai xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ MTR, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ MTR; cung cấp dữ liệu hiện trạng rừng phục vụ xác định diện tích rừng thuộc lưu vực liên tỉnh theo chỉ đạo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng; phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Năm 2022, đơn vị đã ký hợp đồng ủy thác mới với 1 cơ sở sản xuất thủy điện, 8 cơ sở sản xuất công nghiệp, nâng tổng số lên 67 hợp đồng ủy thác. Ban điều hành Quỹ đã thu trên 266 tỷ đồng của các đơn vị sử dụng dịch vụ MTR, đạt 116,5% kế hoạch; phối hợp với với các ngân hàng chi trả gần 220 tỷ đồng cho các chủ rừng, đạt gần 100% kế hoạch. Đặc biệt, trong năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu đề xuất xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; triển khai kế hoạch 273/KH-UBND ngày 21/11/2021 về việc xây dựng, nhân rộng mô hình quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR tại thôn, bản. Trong năm, đã tổ chức 154 hội nghị, với 5.768 lượt người tham dự, ban hành 731 quy chế thôn, bản quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, vượt 269% kế hoạch của UBND tỉnh giao.

Công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ MTR được triển khai thực hiện hiệu quả. Trong năm, đã tổ chức 67 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 7 chủ rừng là tổ chức; 27 UBND cấp xã, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 297 chủ rừng là cộng đồng bản. Qua kiểm tra, giám sát chủ rừng là các tổ chức cho thấy, các đơn vị nhận tiền dịch vụ MTR và chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng theo đúng hợp đồng; việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm đúng quy định. Đối với chủ rừng là UBND cấp xã, chủ rừng là cộng đồng bản đã tiếp nhận đầy đủ số tiền dịch vụ MTR, niêm yết danh sách chi trả tại trụ sở và công khai số tiền đến các cộng đồng bản nhận khoán.

Ban quản lý rừng đặc dụng - phòng hộ Thuận Châu là chủ rừng đang quản lý 11.137 ha rừng được chi trả dịch vụ MTR. Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban quản lý, cho biết: Năm 2022, đơn vị có 11.137 ha rừng được chi trả hơn 3,8 tỷ đồng; trong đó 90% chi trả cho 47 cộng đồng bản và tổ chức ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng tại xã Mường Giàng, Mường Sại, huyện Quỳnh Nhai và Nậm Lầu, Chiềng Bôm, Bản Lầm, Mường Bám, Co Mạ, Long Hẹ, huyện Thuận Châu. Đây là nguồn kinh phí hết sức quan trọng, phục vụ công tác bảo vệ, PCCCR và phát triển rừng hàng năm. Đến nay, toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp do đơn vị quản lý đều được phủ xanh, không còn đất trống, đồi trọc.

Còn bản Liền Ban, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp đang quản lý, bảo vệ hơn 700 ha rừng và có 2 nguồn thu từ rừng, là nguồn dịch vụ MTR và chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Quàng Văn Hướng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, chia sẻ: Hằng năm, từ nguồn được chi trả từ dịch vụ MTR đã góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân. Cùng với bảo vệ tốt diện tích rừng cộng đồng, bà con đã tích cực trồng rừng sản xuất vào diện tích đất nương bạc màu, nhiều hộ đã tự bỏ vốn đầu tư trồng hàng chục hecta rừng.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp Cục Thuế tỉnh và các đơn vị sử dụng dịch vụ MTR đối chiếu số liệu kê khai, nộp tiền dịch vụ MTR, kịp thời phát hiện, đôn đốc các đơn vị chậm kê khai, kê khai không đầy đủ, chậm nộp tiền dịch vụ MTR. Phối hợp Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật tổ chức hội thảo tham vấn “Thúc đẩy quản lý hiệu quả các khu rừng cộng đồng, gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La”; Phối hợp Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (DAI) tổ chức tập huấn kỹ năng quản lý tài chính cho các mô hình quản lý rừng cộng đồng các bản tại các huyện, thành phố.

Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết thêm: Kế hoạch năm 2023, đơn vị phấn đấu thu 250 tỷ đồng dịch vụ MTR. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm; Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ MTR đảm bảo tiến độ. Đồng thời, tiếp tục triển khai xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng; đẩy mạnh việc chi trả dịch vụ MTR cho các chủ rừng qua hệ thống ngân hàng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới