Nâng cao trách nhiệm, năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp

Ngày 21/5/1974, lực lượng Kiểm lâm Sơn La được thành lập. Trải qua gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lực lượng Kiểm lâm Sơn La đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Kiểm lâm rừng đặc dụng Xuân Nha và nhân dân bản Chiềng Hin tuần tra bảo vệ rừng.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; với vai trò, trách nhiệm là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn lực lượng kiểm lâm Sơn La luôn đoàn kết thống nhất, tập trung làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, góp phần quan trọng làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của nhân dân.

Những năm qua, mặc dù nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển rừng còn hạn chế; cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, nhưng công tác bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai thực hiện rà soát quy hoạch 3 loại rừng đã được UBND tỉnh phê duyệt giai đoạn 2017-2025, định hướng đến năm 2030, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tăng cường lực lượng, phối hợp với chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt toàn bộ diện tích rừng đặc dụng - phòng hộ, bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai các biện pháp lâm sinh, từng bước nâng cao chất lượng, làm giàu rừng; bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên và rừng trồng, phát huy khả năng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển tối đa diện tích rừng kinh tế, rừng nguyên liệu, gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ lâm sản theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố, các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tại các địa phương và chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp. Duy trì thực hiện nghiêm nội quy, quy ước bảo vệ rừng đến từng tổ, bản, cụm dân cư, kiểm tra, giám sát việc sản xuất nương rẫy theo đúng mốc giới quy định. Tính riêng 5 năm qua, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh phối hợp với chính quyền cơ sở, ban quản lý các bản mở hàng nghìn buổi tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp, với hàng trăm nghìn lượt người tham gia; tổ chức ký cam kết bảo vệ, PCCCR với chính quyền các xã, ban quản lý các bản và các chủ rừng.

Lực lượng kiểm lâm huyện Sốp Cộp tuần tra bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp quản lý quy hoạch 3 loại rừng. Tham mưu cho UBND tỉnh đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp xin chủ trương điều chỉnh diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với định hướng quản lý, sử dụng hiệu quả 694.741 ha đất lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030 và 719.599 ha giai đoạn 2030-2050.

Công tác bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả quan trọng. Những năm gần đây, rừng đã được bảo vệ tốt hơn, chất lượng rừng được nâng lên, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm. Đặc biệt, công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, hộ gia đình tham gia trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng rừng, xây dựng nhiều mô hình quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và quản lý lâm sản tại cơ sở. Chi cục đã đề xuất với UBND tỉnh xây dựng Dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ và PCCCR giai đoạn 2021-2030. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phân công kiểm lâm địa bàn phối hợp với các chủ rừng, cộng đồng bản tăng cường kiểm tra địa bàn, xây dựng, triển khai phương án và bố trí lực lượng bảo vệ rừng, PCCCR tại chỗ. Đến hết năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,3%.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp được tổ chức thực hiện đồng bộ. Chi cục tiếp tục triển khai thực hiện quy chế phối hợp, hiệp đồng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và PCCCR giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, biên phòng, thường xuyên tổ chức truy quét ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm quy định về bảo vệ, PCCCR. Những năm qua, đã phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm, tịch thu nhiều tang vật, tổ chức cứu hộ và thả trở lại rừng nhiều động vật hoang dã.

Phát huy những kết quả đạt được, với mục tiêu quản lý, bảo vệ tốt 593.355 ha rừng tự nhiên và 28.160 ha rừng trồng, phấn đấu đến hết năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,5%, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tập trung xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển rừng hiệu quả, bền vững, gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nâng cao trách nhiệm và năng lực quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác khoanh nuôi tái sinh, trồng và bảo vệ rừng, nâng cao giá trị của rừng. Chú trọng phát triển lâm sản ngoài gỗ để người trồng rừng có thu nhập từ rừng, triển khai các dự án trồng rừng thay thế. Gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với khai thác, kinh doanh chế biến tiêu thụ lâm sản, phát triển thị trường lâm sản hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng. Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của cộng đồng, thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lương Ngọc Hoan - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới