Đổi mới trên những bản làng vùng cao

Với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông, đời sống của nhân dân ngày thêm cải thiện.

Thi kéo co tại Hội chợ vùng cao huyện Bắc Yên năm 2022. Ảnh: PV

Những ngày đầu năm, chúng tôi về huyện Bắc Yên. Đến đây được ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện kể về những đổi thay nơi vùng đất mà đồng  bào dân tộc Mông sinh sống. Ông bảo: Huyện có 45,63% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bà con chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, như cây sơn tra, trồng lúa ruộng bậc thang... Đặc biệt, phát triển du lịch cộng đồng đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, từng bước theo hướng sản xuất hàng hóa... Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc Mông giảm xuống còn 14,3%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo ổn định và giữ vững. Bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền để có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên, vui mừng: Xã có gần 200 ha chè Shan tuyết, 1.650 cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản như: Bản Bẹ, bản Tà Xùa và bản Chung Chinh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 1.000 tấn/năm. Nhân dân đã biết áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chủ động tìm mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè đem lại thu nhập cao.

Tại bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, ông Sùng A Chư, tâm sự: Được Nhà nước hỗ trợ giống cây và hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi đã cải tạo hơn 3 ha đất trồng mận, 1 ha chè, còn lại trồng ngô, lúa. Nghe theo Đảng, tôi đã có cuộc sống tốt hơn.

Về bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, được nghe câu chuyện về già bản Vừ Sua Ly - “cây đại thụ” giữa đại ngàn Copia hùng vĩ, người có công đẩy lùi tà đạo “Vàng Chứ” ra khỏi đời sống nhân dân, giúp những người lầm lỗi làm lại cuộc đời, góp phần giúp bà con yên tâm xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc... Cùng với cán bộ công an, ông Vừ Sua Ly đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động, bà con trong bản không nghe theo lời rủ rê, xuyên tạc của những đối tượng theo tà đạo “Vàng Chứ”. “Mưa dầm thấm lâu”, ông Ly đã giúp bà con nhận ra những lời hứa hẹn của những kẻ truyền đạo trái phép chỉ là dối trá.

Trên địa bàn tỉnh ta hiện có trên 214.500 người đồng bào dân tộc Mông, chiếm khoảng 15,79% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu ở các vùng cao trong tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, góp phần cải thiện nâng cao đời sống cho bà con. Đồng thời, quan tâm xây dựng đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước sạch hợp vệ sinh, cùng các công trình trường, lớp học, trạm y tế... tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Bên cạnh đó, bà con tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “5 có 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông; không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục... bảo đảm an ninh trật tự địa bàn.

Nhưng những con đường rải nhựa rộng rãi; điện lưới quốc gia được thắp sáng trong mỗi ngôi nhà; những trường, lớp học được xây dựng khang trang… Và màu xanh của những triền đồi bạt ngàn cây ăn quả, bên những bản làng màu ngói mới. Tất cả đã tạo nên một diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc Mông thêm ấm no, thêm khởi sắc mỗi dịp tết đến, xuân về.

Cao Thiên (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới