Bản Lái sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng

Cuối tháng 4 chúng tôi có dịp lên bản Lái, một trong những bản đặc biệt khó khăn của xã vùng cao Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu. Thời điểm này, cùng với gieo trồng trên nương, nhân dân bản Lái đang tập trung triển khai các biện pháp bảo vệ và PCCCR mùa hanh khô.

Thi công xây dựng nhà văn hóa bản Lái, xã Chiềng Bôm, huyện Thuận Châu.

Bản Lái có 90 hộ đồng bào dân tộc Thái, từ nhiều năm nay, phát triển kinh tế của bản chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng do địa hình đồi dốc, cả bản chỉ có 17 ha cà phê trồng xen cây ăn quả và trung bình mỗi hộ chỉ có 450 m2 ruộng nước. Do đó, bản còn tới 57 hộ nghèo, 22 hộ cận nghèo. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng bản Lái lại là điểm sáng trong bảo vệ và PCCCR, đặc biệt là việc sử dụng hiệu quả tiền dịch vụ môi trường rừng tạo thêm sinh kế và xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh.

Anh Lường Văn Món, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản cho biết: Trước đây, do diện tích đất canh tác ít, nên bà con thường hay phá rừng làm nương. Nhưng từ khi có chính sách chi trả dịch môi trường rừng, gần 200 ha rừng tự nhiên của bản đã được bảo vệ tốt, không những mang lại nguồn thu đáng kể cho bản, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Gần chục năm qua, trung bình mỗi năm bản Lái được chi trả từ 70-130 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Đây thực sự là số tiền không nhỏ, giúp cộng đồng bản có điều kiện làm tốt hơn việc bảo vệ, PCCCR và hỗ trợ bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Hằng năm, sau khi nhận tiền, Ban quản lý bản đã tổ chức họp dân công khai số tiền, các khoản chi tiêu và đưa vào quy ước, hương ước của bản. Trong đó, trích 20% cho các hoạt động quản lý, bảo vệ, PCCCR và trả thù lao cho thành viên tổ quản lý bảo vệ rừng để thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng; 60% để làm đường giao thông nông thôn và các công trình xây dựng nông thôn mới.

Anh Lường Văn Tỉnh, thành viên tổ bảo vệ, PCCCR của bản, chia sẻ: Trung bình mỗi năm, tổ được chi khoảng 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, ngoài mua dụng cụ phục vụ tuần tra bảo vệ rừng, thì sẽ trả thù lao cho các thành viên, nên việc huy động tham gia phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa PCCCR rất thuận lợi, rừng được bảo vệ tốt hơn, nhiều năm nay không còn tình trạng phá rừng làm nương, không để xảy ra cháy rừng.

Năm 2022, bản Lái được Nhà nước đầu tư gần 1,2 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa, nhưng bản lại không có đất cộng đồng để xây dựng, Ban quản lý bản đã vận động được một hộ dân nhượng lại 500 m2 đất của gia đình, với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Sau khi xin ý kiến chỉ đạo của xã, bản đã thống nhất sẽ sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hằng năm để trả tiền mua đất.

Đầu năm 2023, nhà văn hóa bản được khởi công xây dựng, dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành, nhân dân trong bản có nơi để hội họp, sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đóng góp vật liệu, công lao động, sau Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, bản đã trích gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để làm 240m đường bê tông liên bản. Đến nay, 70% các tuyến đường liên bản và nội bản đã được bê tông hóa.

Ông Lường Văn Họp, chủ hộ nhượng lại đất cho bản xây dựng nhà văn hóa bản, chia sẻ: Năm nay đã gần 70 tuổi, nên nhu cầu sử dụng đất không cần nhiều, sau khi bàn bạc, gia đình đã thống nhất nhượng lại một phần đất ở để bản xây dựng nhà văn hóa, mỗi năm bản sẽ trích từ tiền dịch vụ môi trường rừng trả dần cho gia đình.

Dẫn chúng tôi tham quan công trình xây dựng nhà văn hóa bản, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lường Văn Món thông tin thêm: Để tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc quản lý, bảo vệ rừng, Chi nhánh Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai đã hướng dẫn Ban quản lý bản xây dựng và thực hiện quy chế quản lý bảo vệ và phát triển rừng, quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Quy chế được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và công khai minh bạch, bảo đảm sử dụng hiệu quả, đúng mục đích tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chia tay bản Lái, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lường Văn Món bảo, cùng với tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng, tạo thêm sinh kế từ nghề rừng, bản đang tích cực vận động bà con chuyển đổi cơ cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước ổn định đời sống, phấn đấu giảm nhanh số hộ nghèo.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới