Quan tâm phục dựng các lễ hội truyền thống dân tộc

Huyện biên giới Sông Mã có 6 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có những nét văn hóa độc đáo riêng. Bảo tồn văn hóa dân tộc, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phục dựng, tái hiện và duy trì các lễ hội truyền thống, góp phần xây dựng tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Nghi lễ "Xên bản" của xã Nà Nghịu được sân khấu hóa .

UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025. Chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, UBND các xã rà soát các phong tục tập quán, tín ngưỡng và lễ hội các dân tộc còn lưu truyền trên địa bàn để tổ chức phục dựng. Lựa chọn thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức lễ hội phù hợp với đời sống tâm linh, sinh hoạt và sản xuất của bà con. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ tổ chức các lễ hội đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đẩy mạnh  tuyên truyền trước, trong và sau thời điểm diễn ra lễ hội truyền thống…

Cùng với phục dựng nghi thức truyền thống đầy đủ và tái hiện lại bằng hình thức sân khấu hóa, tại các lễ hội còn tổ chức đan xen hoạt động văn nghệ, các trò chơi dân gian, như kéo co, đẩy gậy, tung còn, tó má lẹ, bịt mắt bắt vịt. Trưng bày các gian hàng sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của địa phương. Tổ chức các hoạt động thi văn hóa và ẩm thực, như: Thêu khăn piêu, đan lát, giã chẩm chéo, giã cốm…

Thi nghề truyền thống đan lát tại Lễ hội Xên bản xã Nà Nghịu. 

Từ tháng 10/2022 đến nay, huyện đã tổ chức thành công các lễ hội: Mừng cơm mới và Xên bản tại xã Nà Nghịu; Lễ dâng hương và Hội đua thuyền tại xã Mường Hung. Các lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản, đảm bảo lưu giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn, mang đến không khí vui tươi, phấn khởi, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ hội “Xên bản” của đồng bào Thái đen, xã Nà Nghịu, được tổ chức 2 năm 1 lần, vào dịp tháng 1 âm lịch. Đây là lễ hội tín ngưỡng cúng bản, nhằm tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường (người lập nên bản), cầu mong cho mọi người sức khỏe, một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ông Cà Văn Hoan, Trưởng bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, cho biết: Hằng năm, bà con trong bản góp lễ vật để tổ chức tại miếu của bản. Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô lớn với nhiều hoạt động, ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đây là dịp để bà con giới thiệu, quảng bá các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến với du khách gần xa. 

Lễ hội “Dâng hương và Hội đua thuyền" của xã Mường Hung.
Ảnh: Trung Hiếu.

Lễ hội “Dâng hương và Hội đua thuyền" tại xã Mường Hung được tổ chức hằng năm, nhằm tưởng nhớ các chiến sĩ cách mạng và nhân dân đã hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với các hoạt động: Dâng hương tưởng niệm tại nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ xã và Cây đa Mường Hung (được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh); thi đua thuyền; tham quan Nhà trưng bày truyền thống… Ông Lò Văn Thịch, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Việc duy trì tổ chức lễ hội hằng năm nhằm giáo dục truyền thống cách mạng và nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp cho nhân dân trong xã.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của địa phương tại lễ hội truyền thống. 

Theo kế hoạch, vào dịp đầu xuân năm 2024, huyện sẽ phục dựng lễ hội “Cầu mùa” của dân tộc Thái tại xã Chiềng Cang; Lễ dâng hương tại Đền thờ Hai Bà Trưng, xã Chiềng Khương và “Gầu Tào” của dân tộc Mông tại xã Huổi Một.

Ông Phạm Quang Đức, Chủ tịch UBND xã Huổi Một, cho biết: Xã dự kiến tổ chức lễ hội “Gầu Tào” vào ngày 17-18/2/2024, tại bản Khua Họ. Ngoài phần lễ, phần hội tổ chức các hoạt động gắn liền với văn hóa dân tộc Mông, như thi người đẹp trang phục dân tộc, thi múa khèn, giã bánh dày, đánh tulu, bắn nỏ và các trò chơi dân gian khác… Ngoài nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ, xã đang kêu gọi sự đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tổ chức lễ hội thành công.

Phục dựng các lễ hội truyền thống kết hợp tổ chức hoạt động gắn với các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian cộng đồng, ẩm thực dân tộc…, Sông Mã đã và đang gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn trong phát triển văn hóa du lịch địa phương, để lại ấn tượng cho du khách đến thăm và trải nghiệm vùng đất, con người huyện biên giới.

 

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới