Cùng về Quỳnh Nhai dự lễ “Lung ta” ngày 30 Tết

Trong không khí rộn ràng của ngày 30 tháng Chạp năm Quý Mão, rất đông bà con nhân dân huyện Quỳnh Nhai cùng tề tựu tại bến Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, dự lễ hội “Lung ta” (lễ hội gội đầu) do huyện tổ chức. Lễ hội có ý nghĩa rất lớn trong văn hóa và đời sống tinh thần của dân tộc Thái trắng tại Quỳnh Nhai.

Dâng hương tại đền Linh Sơn Thủy Từ.

Lễ hội Lung ta của dân tộc Thái trắng Quỳnh Nhai vào ngày 30 Tết hằng năm đã được duy trì từ nhiều đời nay, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống được bảo tồn, gìn giữ, mang đặc trưng riêng của vùng sông nước Quỳnh Nhai. Lễ hội gồm phần lễ mang bản sắc truyền thống và phần hội với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo không khí phấn khởi cho người dân vui xuân, đón tết.

Đông đảo người dân và du khách về dự lễ hội.

Lễ hội Lung ta được bắt nguồn từ sự tích về Nàng Han, một nữ tướng dân tộc Thái giả trai để cầm quân đánh giặc, đuổi kẻ thù xâm lăng, giữ yên bờ cõi, đem lại cuộc sống thanh bình cho dân bản.

Sự tích kể rằng, sau khi đánh đuổi kẻ thù, Nàng Han đến bên sông, cởi bỏ chiến bào và xõa tóc gội đầu, đến lúc ấy, ba quân mới biết vị tướng tài ba, dũng cảm kia là một thiếu nữ. Nàng Han cũng ra lệnh cho các nữ quân xuống sông tắm gội, gột sạch máu quân thù để ăn mừng chiến thắng. Nơi nàng tắm, bầu trời bỗng tỏa ánh hào quang, xuất hiện một đám mây ngũ sắc đón Nàng về trời. Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của nữ tướng, người dân nhiều nơi của 16 Châu Thái, trong đó có Châu Chiên (Châu Quỳnh Nhai) đã lập đền thờ Nàng Han (tại bản Mường Chiên, xã Mường Chiên), thờ cúng vào dịp lễ, tết và tổ chức Lễ hội gội đầu vào chiều 30 Tết hằng năm.

Nghi lễ cúng thần sông, thần núi tại đền Linh Sơn Thủy từ.

Trải qua hàng ngàn đời nay, Lễ hội gội đầu vẫn được đồng bào Thái Quỳnh Nhai gìn giữ, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống dịp cuối năm mà bất cứ ai, hễ là người Quỳnh Nhai đều nhớ đến, trở về để cùng tham dự. Hằng năm, lễ hội “Lung ta” được tổ chức tại bến nước thuộc bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, thu hút đông đảo người dân các xã trên địa bàn huyện tham gia. Với những giá trị tốt đẹp về văn hóa truyền thống, năm 2020, lễ hội gội đầu của dân tộc Thái trắng Quỳnh Nhai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dâng hương tại đền Nàng Han

Ông Điêu Văn Lụng, một trong hai chủ lễ “Lung ta” chia sẻ: Lễ hội gội đầu đã có từ ngàn đời nay, được đồng bào gìn giữ và bảo tồn từ khi còn ở  huyện cũ đến nay. Cứ đến ngày 30 Tết là mọi người cùng quy tụ về bến sông, không kể già trẻ, không phân biệt nam nữ, ai cũng xuống sông gội đầu với ý nghĩa gột rửa mọi đều không may, những chuyện buồn trong năm cũ để đón một năm mới cầu có sức khỏe, may mắn, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Khai mạc lễ hội gội đầu tại bến Pom Sinh, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai.

Lễ hội được bắt đầu bằng lễ dâng hương tại Đền Linh Sơn - Thủy Từ được tổ chức trang nghiêm, đúng nghi thức để cúng thần sông, thần núi. Ngay sau đó là phần lễ chính được Nghệ nhân nhân dân Điêu Văn Minh thực hiện với các phần dâng lễ, dâng hương tại đền Nàng Han nhằm thỉnh cầu tướng Nàng Han về dự hội. Bài khấn mang nội dung chính để thông báo rằng năm đã hết, xuân đã đến, nhân ngày 30 tháng Chạp, thỉnh mời tướng Nàng Han về nhận lễ vật, chứng kiến bà con thực hiện nghi lễ “Lung ta” truyền thống, phù hộ cho bà con dân bản năm mới sức khỏe, bình an, vạn điều may mắn, mùa màng thuận lợi. Ngay sau khi kết thúc bài khấn, đội nghi lễ tiến hành múc nước tại giếng Nàng Hang mang xuống bến gội đầu.

Các đại biểu và nhân dân tham gia nghi thức gội đầu bên bến sông.

Bến gội đầu bản Pom Sinh được chia thành bến 1 dành cho nam giới, bến 2 dành cho phụ nữ bắt đầu thực hành nghi lễ gội đầu truyền thống. Người người với lòng thành kính, tịnh tâm rũ bỏ mọi ưu phiền, buồn vui của năm cũ, nhẹ bước chân xuống dòng nước xanh trong mát lành, cảm nhận như đang hoà cùng với sự vô tận của thiên nhiên với một niềm tin và ước vọng về cuộc sống an yên, thái bình được giữ mãi. Các bà, các chị, các thiếu nữ Thái nền nã trong bộ váy áo cóm thướt tha xoã tóc, nghiêng mình bên bến nước gội đầu, những nụ cười tươi xinh như làm sáng cả một khúc sông. Sau nghi lễ gội đầu, mọi người lại cùng tập trung ngay trên bến sông, cùng nhau nắm tay nối vòng xoè đoàn kết và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống.

Bến gội đầu dành cho nữ giới.
Bến gội đầu dành cho nam giới.

Kết thúc lễ hội, mọi người hoan hỉ trở về nhà, chuẩn bị những phần việc còn lại và chờ đón giao thừa, tiễn biệt năm cũ, đón năm mới về trong niềm tin và hy vọng mới. Bà Điêu Thị Thân, xã Mường Giàng phấn khởi nói: Tham gia lễ hội gội đầu đã thành thói quen lâu đời không thể bỏ được của đồng bào Thái Quỳnh Nhai vào mỗi dịp cuối năm. Đến với lễ hội, ai cũng cảm thấy lòng mình được thanh thản hơn, bình an hơn và thêm niềm tin để đón năm mới.

Tung còn bên bến sông.

Bà Điêu Thị Nhất, Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Quỳnh Nhai, cho biết: Lễ hội đội đầu không chỉ là tục lệ truyền thống được duy trì, gìn giữ trong đồng bào Thái, mà đây còn là sự kiện văn hoá thường niên được huyện tổ chức, tạo thêm điểm nhấn cho du lịch vùng sông nước Quỳnh Nhai. Tất cả các yếu tố từ trình tự nghi lễ, địa điểm tổ chức được bảo tồn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Quỳnh Nhai cũng ưu tiên thực hiện tốt các chính sách khuyến khích đối với các nghệ nhân, những người đóng vai trò then chốt của lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện, trong đó có các nghệ nhân dân tộc Thái trắng, để góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Kết thúc nghi lễ gội đầu, bà con cùng nắm tay nhau hòa vào vòng xòe đoàn kết.

Với đồng bào Thái trắng Quỳnh Nhai, dù có đi đâu về đâu, cứ 30 Tết lại tề tựu bên bến sông. Cùng với tiếng đàn Then và câu hát “Lung ta”, già trẻ, gái trai các bản lại cùng ngưỡng vọng về Vị nữ tướng Nàng Han, cùng bước xuống dòng nước xanh thẳm, xoã tóc gội đầu với mong muốn rũ bỏ mọi phiền muộn năm cũ, chào đón năm mới bình an, may mắn.

Thanh Đào, Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới